Phát triển Sơn Tây thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch phía Tây Hà Nội
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị vệ tinh cửa ngõ Tây Bắc thành phố.
Thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội) là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, có vị trí chiến lược về quân sự, quốc phòng, có lợi thế về giao thông và tiềm năng phát triển du lịch văn hóa. Các di sản văn hóa trên địa bàn thị xã Sơn Tây được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ và nhân dân; đồng thời tạo nên các sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh, văn hóa - du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của vùng đá ong xứ Đoài - Sơn Tây, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Nhiều thành tựu trong phát triển văn hóa
Sáng nay (22/11), Đoàn kiểm tra số 2 của Thành ủy do Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản chủ trì, kiểm tra việc triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2024 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” của Đảng bộ thị xã Sơn Tây.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, thị xã tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô, với chức năng: Đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Thị xã có hai điểm du lịch đã được UBND thành phố công nhận đó là: điểm du lịch Làng cổ xã Đường Lâm và điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn.
Trên địa bàn thị xã có 244 di tích, trong đó 80 di tích đã xếp hạng, 78 di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt, di tích làng cổ ở Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của đất nước được công nhận là di tích cấp quốc gia, lễ hội đền Và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Có 99 đạo sắc phong được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận. Rặng duối cổ ở Đường Lâm và 85 cây lim cổ thụ ở đền Và được công nhận là cây di sản Việt Nam. Với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú cùng với tiềm năng du lịch sinh thái trên địa bàn thị xã là một nguồn lực lớn, quan trọng, nguồn tài nguyên quý giá, là tiềm năng, thế mạnh để thị xã Sơn Tây phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.
Thị xã đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc, tạo nên những không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài thị xã tham gia như: Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài hằng năm, tổ chức tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Trung thu Thành cổ, Lễ hội khinh khí cầu, Giải vật dân tộc tranh Cúp Phùng Hưng, Hội sách và văn hóa đọc; đăng cai tổ chức cuộc thi hoa hậu áo dài di sản Việt Nam... Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch: Trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh, ẩm thực cỗ sen, cơm quê tại các nhà cổ, cho thuê trang phục, xe đạp, chụp ảnh, homestay, đêm làng cổ…
Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU gắn với Chương trình số 11-CTr/TU của Thành ủy, thị xã đạt 17/17 chỉ tiêu. Từ năm 2021-2023, thị xã có 95,8% gia đình văn hóa; 97,5% số tổ dân phố và 93,5% số thôn đạt văn hóa; 125 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt văn hóa, trong đó 32 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt cấp thành phố; 118/118 thôn, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước, đạt 100%.
Năm 2024, thị xã có 118/118 thôn, tổ dân phố, đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa; 36.706/37.303 hộ đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa. Thị xã cũng chú trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong cơ quan, doanh nghiệp, thị xã đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích cực tuyên truyền thực hiện Bộ quy tắc ứng xử của UBND TP; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp...
Sơn Tây đã chọn đúng hướng đi đánh thức tiềm năng văn hóa du lịch
Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị vệ tinh cửa ngõ Tây Bắc thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, thị xã phát triển hình thành 3 khu du lịch chính: Khu du lịch Đồng Mô (sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng); khu trung tâm thị xã - Thành cổ - đền Và - Đường Lâm (di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); khu du lịch Xuân Khanh (khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái).
Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Doãn Toản - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đánh giá cao việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của thị xã Sơn Tây, thị xã đã chọn đúng hướng đi, “đánh thức tiềm năng” phát triển văn hóa - du lịch trên địa bàn.
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành phố đề nghị thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư cho thị xã, trong đó tập trung quan tâm đầu tư cho Đường Lâm hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035”.
Đối với thị xã Sơn Tây, đại diện các sở, ban, ngành TP đề nghị cần quan tâm các vấn đề như nâng cao trách nhiệm của người dân trong vấn đề thụ hưởng, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa; đầu tư tốt hơn nữa cho giáo dục, tăng số trường đạt chuẩn Quốc gia; việc thu phí các di tích văn hóa, thắng cảnh còn thấp; cần khai thác du lịch tại hồ Đồng Mô kết nối Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, thị xã cũng cần tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh của mình; xây dựng hoạt động thường niên, định kỳ nhằm thu hút, quảng bá văn hóa, du lịch trên địa bàn thị xã; quan tâm công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lực lao động; minh chứng thêm về kết quả đạt được về hoạt động thể dục thể thao cộng đồng; nâng cao chất lượng khai thác hoạt động tại các nhà văn hóa thôn; tăng cường hợp tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm phát triển du lịch...