Phát triển sự nghiệp giáo dục góp phần xây dựng hình ảnh con người Yên Bái

Thấm nhuần quan điểm xuyên suốt của Đảng qua các thời kỳ 'Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu'; 'Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội', mặc dù còn nhiều khó khăn, song những năm qua, Yên Bái đang nỗ lực không ngừng để tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất, góp phần xây dựng một thế hệ công dân tài năng, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện nói chung, xây dựng con người Yên Bái với các phẩm chất 'Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập'.

Văn hóa truyền thống được truyền dạy lồng ghép và trải nghiệm trong trường học.

Văn hóa truyền thống được truyền dạy lồng ghép và trải nghiệm trong trường học.

Trước hết, phải khẳng định rằng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh đã có những bước tiến đáng kể. Quy mô, mạng lưới trường lớp đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển của từng địa phương.

Chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực; nhiều chỉ số về giáo dục đạt ở mức cao so với khu vực và mức khá so với toàn quốc. Công tác giáo dục mũi nhọn đã đạt được kết quả đáng khích lệ, Yên Bái đã có học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế và khu vực.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, nâng cao về chất lượng và số lượng; cơ sở vật chất được tích cực đầu tư theo hướng đạt chuẩn và từng bước hiện đại. Công tác giáo dục dân tộc được chú trọng, hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập của học sinh người dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm.

Về cơ bản đã khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học và tăng tỷ lệ đi học chuyên cần ở vùng cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh. Yên Bái đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.

Công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, một chỉ tiêu rất mới được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đưa vào để triển khai đó là chỉ số hạnh phúc cho người dân. Đã có 296 cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chí trường học hạnh phúc, chiếm 66,97%.

Một trong những yếu tố then chốt góp phần vào thành công này chính là sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hàng năm, tỉnh dành một ngân sách lớn cho giáo dục, không chỉ để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất mà còn để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh đó, các chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ hấp dẫn cũng đã góp phần quan trọng trong việc giữ chân những giáo viên tài năng và tạo động lực để đội ngũ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng với đó, tỉnh chú trọng đến việc xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực.

Các trường học luôn được khuyến khích tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phong trào thi đua, nhằm giúp học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và nhân cách.

Đặc biệt, các giá trị "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” được lồng ghép vào chương trình giảng dạy một cách khoa học, sáng tạo, bài bản, giúp hình thành những phẩm chất tốt đẹp trong học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Các đơn vị trường học trên địa bàn đã mời các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín về nói chuyện, truyền cảm hứng cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học mà còn tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được tiếp xúc, học hỏi từ các chuyên gia, mở rộng hiểu biết, tư duy thời đại, góp phần xây dựng Yên Bái ngày càng phát triển, hội nhập.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành GD&ĐT Yên Bái vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức. Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ở Yên Bái vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Bên cạnh đó, hạ tầng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở một số vùng vẫn còn cao; đội ngũ giáo viên còn thiếu. Khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng còn khá lớn.

Để giải quyết những vấn đề trên, Yên Bái cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục, chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cải thiện điều kiện dạy và học. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học, phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo của học sinh.

Chú trọng giáo dục lý tưởng, bồi đắp "đức, trí, thể, mỹ” gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tập trung xây dựng "trường học hạnh phúc”, tạo dựng chất lượng giáo dục thực chất; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đưa giáo dục Yên Bái hội nhập với khu vực và quốc tế.

Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh cùng những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, tin tưởng sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh ngày càng khởi sắc, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/324427/phat-trien-su-nghiep-giao-duc-gop-phan-xay-dung-hinh-anh-c111n-nguoi-yen-bai.aspx