Phát triển thành phố Thủ Đức xứng tầm
Bài 1: Không ít thách thức Người dân bên cạnh việc trông đợi một đô thị thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo, một đô thị kiểu mẫu... từ việc thành lập thành phố Thủ Đức được hình thành trong tương lai nhưng đồng thời cũng mong muốn những vấn đề tồn tại trong đời sống xã hội trước mắt được giải quyết sớm.
Thành phố Thủ Đức (trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát triển. Tuy nhiên, sau hơn hai năm thành lập, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ Đức đang gặp không ít khó khăn trong thực tế vận hành, hoạt động.
Trong đó, cấp thiết nhất là chỉnh trang bộ mặt đô thị thành phố Thủ Đức để đáp ứng cuộc sống thường nhật của khoảng 1,2 triệu người ngày càng tốt hơn.
Diện mạo đô thị chưa khởi sắc
Anh Hùng, 35 tuổi, làm nghề chạy xe ôm tại khu vực đường Lương Định Của, thành phố Thủ Đức đã 15 năm nay. Sáng cũng như chiều, anh phơi mình trong cái nắng, trong làn bụi trắng trời mà con đường thi công dang dở Lương Định Của mang lại. Chỉ có chiều dài 2,5km, khởi công từ năm 2015 nhưng con đường này chưa biết khi nào mới làm xong. Lượng xe cộ qua lại lớn, đường chật chội, xuống cấp khiến cuộc sống của anh Hùng và hàng nghìn người dân sống dọc hai bên đường đảo lộn.
Áp lực cơm, áo, gạo tiền để nuôi sống ba đứa con nhỏ đang tuổi ăn học khiến anh Hùng không mơ mộng viển vông về một thành phố sáng tạo, thành phố thông minh. Anh chỉ mong con đường Lương Định Của sớm được xây dựng hoàn thành, mỗi ngày chạy được nhiều cuốc xe để kiếm sống. Thế nhưng, sau hơn hai năm quận 2 sáp nhập để thành lập thành phố Thủ Đức, con đường vẫn tiếp tục dở dang... Không chỉ có hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, dẫn đến tình trạng kẹt xe thường xảy ra, ngập nước cũng đang là vấn đề nan giải cho thành phố Thủ Đức.
Theo thống kê, thành phố Thủ Đức là một trong những địa phương có nhiều điểm ngập nước nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những con đường Tô Ngọc Vân, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Việt, Võ Văn Ngân, Đỗ Xuân Hợp, Kha Vạn Cân, khu Thảo Điền... là những “điểm đen” về tình trạng ngập nước mỗi khi mưa lớn. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, sống gần giao lộ Tô Ngọc Vân-Phạm Văn Đồng, thành phố Thủ Đức cho hay: Năm nay, thành phố Thủ Đức đang làm hệ thống thoát nước tại khu vực này. Hy vọng mùa mưa tới tình hình ngập nước sẽ được cải thiện. Chứ mọi năm, mỗi khi mưa lớn khu vực giao lộ Tô Ngọc Vân-Phạm Văn Đồng ngập lênh láng, gây ách tắc giao thông, đảo lộn cuộc sống người dân trong khu vực.
Hy vọng rất đỗi bình thường của anh Hùng, chị Thu Thủy cũng giống câu chuyện mà chính Bí thư đương nhiệm Thành phố Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp kể. Ông nói, khi gặp ông, người dân bày tỏ ý kiến: Cứ nghĩ từ quận lên thành phố, con hẻm gần nhà sẽ hết ngập nước nhưng vẫn ngập, việc thu gom rác sẽ hiện đại hơn nhưng vẫn y như cũ..., làm gì có chuyện con đường 2,5km thi công hai nhiệm kỳ chưa xong.
Quá tải công việc
Với dân số đông, 34 phường trực thuộc, thành phố Thủ Đức là một đơn vị hành chính có quy mô diện tích, dân số, khối lượng công việc lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay khi thành lập, Thủ Đức đã chú trọng triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực công để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Cụ thể, thành phố Thủ Đức đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Thủ Đức; triển khai, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch tại thành phố Thủ Đức; cổng thông tin điện tử và ứng dụng trực tuyến thành phố Thủ Đức được đưa vào vận hành cuối tháng 4/2022...
Những giải pháp trên nhằm nâng cao công tác quản lý, giám sát việc thực thi công vụ, tạo môi trường tương tác giữa chính quyền và người dân được thuận lợi, góp phần bảo đảm hiệu quả công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp, hiện nay dân số của thành phố hơn một triệu dân, nếu tính người dân tạm trú thì có thể lên 1,5 triệu người. Trong khi biên chế cán bộ đã bị cắt giảm 30% dẫn đến quá tải công việc. Trước khi chưa sáp nhập, một việc ba người làm, bây giờ một việc một người làm nên giải quyết công việc rất chậm. Đó là chưa kể, sau khi sáp nhập, diện mạo, bộ mặt đô thị của Thủ Đức vẫn chưa có gì thay đổi, hạ tầng giao thông vẫn quá tải, hạ tầng xã hội vẫn thiếu và yếu.
PGS, TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết: Có thể nói, với quy mô diện tích của ba quận gộp lại cho thấy Thủ Đức trở thành một đơn vị hành chính có quy mô rất lớn. Song với các vấn đề thực tiễn hiện nay, các hoạt động quản lý và tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức cơ bản vẫn chỉ là một đơn vị hành chính như nhiều đơn vị quận, huyện khác của Thành phố Hồ Chí Minh.
Thực tiễn này, gây khó khăn lớn cho việc quản trị, quản lý về kinh tế-xã hội. Nếu trước đây (chưa sáp nhập) số lượng các cơ quan trong bộ máy hệ thống chính trị và nhà nước cấp quận sẽ cơ bản là ba đơn vị hành chính với các đầu mối tương tự nhau thì hiện nay, với việc sáp nhập này, về nguyên tắc chuyển đầu mối từ ba đơn vị sang còn một đơn vị. Do đó, dẫn đến sức ép về công việc trước đây của ba cơ quan dồn sang một cơ quan xử lý. Mô hình tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức hiện gặp nhiều khó khăn và chưa có nhiều sự khác biệt để thực hiện.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng, sau hai năm thành lập trong bối cảnh khó khăn và thách thức, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của thành phố được giữ vững, đạt được nhiều kết quả tích cực. Thành phố Thủ Đức đã tập trung kiện toàn, hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị, các tổ chức đảng, đoàn thể, chính quyền. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 là gần 10.700 tỷ đồng và năm 2022 là gần 20.100 tỷ đồng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-thanh-pho-thu-duc-xung-tam-post741241.html