Phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại

Xác định phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Bởi vậy, những năm qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Học sinh Trường Trung cấp nghề Nga Sơn (Nga Sơn) trong giờ thực hành.

Nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường lao động, nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, tỉnh đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý và phát triển ổn định. Theo thống kê, hiện nay quy mô GDNN trong tỉnh có 66 cơ sở đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm. Các cơ sở GDNN đã tích cực đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đột phá về chất lượng dạy nghề, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điển hình là Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa. Những năm qua, nhà trường đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị giảng dạy và học tập hiện đại góp phần đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao. Đặc biệt, trường đã đưa các nội dung như IoT, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu tích hợp vào nội dung giảng dạy các môn học. Đến nay, trường đã đào tạo và cung ứng lao động theo đơn đặt hàng của Công ty CP LILAMA 69-1, LILAMA 18, Công ty CP COMA 17 các nghề điện công nghiệp, điện lạnh, công nghệ ô tô, hàn... Cùng với đó, nhà trường tích cực mở rộng liên kết đào tạo với các doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên (HSSV) đến học tập, thực hành; đồng thời, mời doanh nghiệp tham gia giảng dạy trực tiếp cho HSSV để nâng cao tay nghề và chất lượng đào tạo. Nhờ đó, đa số HSSV ra trường đều có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo khảo sát, hàng năm có đến 90% HSSV nhà trường sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định.

Tại Trường Trung cấp nghề Nga Sơn (Nga Sơn), những năm qua cũng đã thực hiện chủ trương đa dạng hóa ngành nghề, bậc học và phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu định hướng của cơ chế thị trường. Nhà trường đã từng bước đổi mới, cải tiến phương pháp công nghệ dạy học, nhất là sử dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Đồng thời, khuyến khích giáo viên sử dụng công nghệ thông tin có khả năng mô phỏng, biểu diễn sự vật theo không gian ba chiều, tạo ra mô hình động giúp cho học sinh dễ hình dung, tiếp thu kiến thức mới mang lại hiệu quả đào tạo cao. Hiện nay, một số giáo viên ở khoa điện, điện tử, tin học đã có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy khá tốt. Cùng với đó, nhà trường tích cực phối hợp với doanh nghiệp để gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Đồng thời, liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa để tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh. Nhờ đó, có đến 95% học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp.

Theo đánh giá từ ngành lao động - thương binh, xã hội (LĐTB&XH), chất lượng GDNN ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Ở nhiều nghề trọng điểm, kỹ năng nghề của lao động Thanh Hóa đã đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Lao động qua đào tạo nghề nghiệp có thể tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp tại các doanh nghiệp. Cũng nhờ đó, cơ cấu lao động trong tỉnh hiện nay có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo thống kê, hiện nay quy mô lao động của tỉnh ước đạt trên 2,41 triệu người. Trong đó, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp là 31,5%; ngành công nghiệp - xây dựng là 41% và ngành dịch vụ là 27,5%. Nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước; đồng thời, đảm bảo cho người lao động tìm kiếm được việc làm. Trong 6 tháng năm 2023, Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm với 261 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 14.670 người lao động tham gia tuyển dụng; qua đó, kết nối việc làm thành công cho 1.436 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề. Tổ chức, hướng dẫn 7.330 lao động hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Cũng trong 6 tháng năm 2023, toàn tỉnh ước tạo việc làm cho 30.550 lao động (bằng 103% so với cùng kỳ năm trước).

Trong thời gian tới, để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là việc phát triển lao động theo hướng hiện đại trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Sở LĐTB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là thực hiện việc chuyển đổi mô hình đào tạo tại các cơ sở GDNN theo hướng chủ động nắm bắt và đón đầu nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động. Trong đó, tích cực đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, tập trung gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở GDNN. Quan tâm phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động, công tác dự báo cung - cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-thi-truong-lao-dong-theo-huong-hien-dai/191009.htm