Phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại

Huyện Thanh Ba có quốc lộ 2, 2D và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua, thuận lợi cho việc phát triển thương mại, dịch vụ. Cùng với đó, huyện tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng chợ, đường giao thông nông thôn; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ. Công tác cải cách thủ tục hành chính được huyện quan tâm.

Nhờ đó, chất lượng, số lượng và quy mô các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ ngày càng được nhân rộng, hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện. Giá trị tăng thêm bình quân của ngành thương mại, dịch vụ là 6,8%/năm, chiếm 37% trong cơ cấu ngành kinh tế của huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu dịch vụ bán lẻ hàng hóa tiêu dùng của huyện đạt 1.365 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ.

Cửa hàng tiện lợi của chị Nguyễn Thị Thu Hà, khu 6, xã Đồng Xuân bày bán đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cửa hàng tiện lợi của chị Nguyễn Thị Thu Hà, khu 6, xã Đồng Xuân bày bán đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hiện nay, toàn huyện có 14 chợ, diện tích trung bình từ 500 - 30.000m2. Mỗi chợ cách nhau khoảng 5km, phục vụ khoảng 8.000 người/chợ. Được sự quan tâm đầu tư, từ năm 2018 đến nay, huyện đã cải tạo, nâng cấp được nhiều chợ như: Chợ Mạn Lạn, chợ Khải Xuân, chợ Lạnh xã Đông Thành, chợ Ninh Dân... và xây dựng mới chợ Đồng Xuân với tổng mức đầu tư trên 143 tỷ đồng. Các chợ đều hoạt động ổn định, tiểu thương kinh doanh đa dạng hàng hóa. Công tác quản lý trật tự kinh doanh, giá cả, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được các cơ quan chuyên môn kiểm tra thường xuyên.

Bên cạnh các chợ, trên địa bàn huyện có hơn 4.100 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại, tập trung vào các lĩnh vực như: Nhà hàng, dịch vụ vận tải, kinh doanh tạp hóa, sửa chữa xe máy, xây dựng... Các mặt hàng từ cao cấp tới bình dân đã được phân phối về tận trung tâm các xã, thị trấn.

Hơn nữa, sự xuất hiện của các cửa hàng kinh doanh bán lẻ hiện đại, chi nhánh các doanh nghiệp đầu tư phát triển, mở rộng thị trường như: Điện máy Xanh, Honda Thành Công, xe máy Duy Hùng... giúp người dân rút ngắn khoảng cách khi mua sắm các loại mặt hàng điện tử, điện lạnh, xe máy.

Chị Nguyễn Lan Anh, khu 1, thị trấn Thanh Ba cho biết: “Hiện nay, việc mua sắm hàng hóa rất tiện lợi, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Khi mua sắm hàng hóa, tôi đều lựa chọn các cửa hàng uy tín, có thương hiệu và kiểm tra kỹ các thông số của sản phẩm về nguồn gốc, xuất xứ... để yên tâm sử dụng”.

Để hướng tới mục tiêu phát triển ngành thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, chuyên sâu, phục vụ nhu cầu của người dân gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Tuấn Anh- Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng mới các khu thương mại, siêu thị tổng hợp từ hạng III trở lên và phát triển các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại khu vực nông thôn; tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số chợ phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của Nhân dân; xây dựng và phát triển các loại hình dịch vụ có tiềm năng thế mạnh như: Dịch vụ vận tải, bến bãi, tài chính ngân hàng, du lịch, giải trí; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng giao tiếp, xúc tiến thương mại.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thức ăn đường phố, kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phat-trien-thuong-mai-dich-vu-theo-huong-hien-dai-216602.htm