Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số

'Kinh tế số' là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế mới, mang lại hiệu quả và giá trị lợi nhuận cao trong khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hòa. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế số hóa của Việt Nam hiện mới chỉ tập trung vào khía cạnh liên lạc, giải trí và thông tin, trong khi nhiều lĩnh vực khác như thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức. Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được dự đoán rất tiềm năng và sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng thương mại điện tử Việt Nam

“Kinh tế số” là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội… chính là những dấu ấn của kinh tế số hóa trong đời sống của người dân Việt Nam những năm gần đây.

Theo nghiên cứu của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), hiện Việt Nam xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời xếp hạng 22 về tốc độ phát triển số hóa. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đang trong nền kinh tế số hóa và lĩnh vực thương mại điện tử có triển vọng tiến xa hơn.

Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam rất lớn.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đưa ra trong Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018, tốc độ tăng trưởng năm 2017 so với năm trước ước tính trên 25%. Nhiều DN cho biết tốc độ tăng trưởng năm 2018 sẽ duy trì ở mức tương tự.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số DN chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017, số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%. Tính đến cuối năm 2016, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam khoảng 4 tỷ USD. Dự báo trong 4 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.

Theo thống kê mới đây của Tập đoàn iPrice, tổng hợp từ 1.000 DN thương mại điện tử khác nhau, Việt Nam đang tham gia cuộc chơi với “phong độ tốt”, nắm bắt hầu hết các xu thế của khu vực. Theo iPrice, tổng lượng truy cập mua sắm trực tuyến thông qua thiết bị di động tại Việt Nam tăng tưởng ấn tượng, ở mức 26% trong năm 2017.

Năm qua, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ chuyển đổi - số phần trăm của số lượt truy cập website có thể dẫn đến mua sắm thành công. Các DN thương mại điện tử tại Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi lên đến 65%, cao nhất trong khu vực. Singapore sở hữu tỷ lệ chuyển đổi cao thứ hai và Indonesia bám sát ở vị trí thứ 3.

Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá, những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… Việc mua sắm online đã không còn xa lạ với người người tiêu dùng Việt. Thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng nhiều.

Gần đây, trong một báo cáo nghiên cứu của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, được thực hiện thông qua ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, cho biết, 25% người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế.

Trong khi đó, 45-50% cho rằng, sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng, thường xuyên hơn trong tương lai. Kết quả khảo sát năm 2018 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, số người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp ba lần (2,7%) so với năm 2017 (0,9%). Ngoài ra, kết quả khảo sát còn ghi nhận, tất cả các sản phẩm tiêu dùng ít nhiều đều được người tiêu dùng mua online.

Những con số tăng trưởng vượt xa dự báo chính là nhân tố hút làn sóng đầu tư từ nước ngoài mạnh mẽ hơn vào lĩnh thương mại điện tử tại Việt Nam. Có thể chỉ ra rất nhiều sự kiện như: Alipay của Alibaba ký thỏa thuận chiến lược với Napas; Central Group mua lại Zalora; Shopee nhận được khoản đầu tư 500 triệu USD từ Tencent; Tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc JD.com rót tiền đầu tư chiến lược vào trang Tiki; Sendo hợp tác với 3 nhà đầu tư Nhật Bản...

Hoạt động đầu tư và tiềm lực từ các tên tuổi ngoại được cho là sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử rất nhanh, đồng thời phần nào cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

Đến năm 2020, dự kiến tại Việt Nam có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người. Theo đó, thương mại điện tử trên nền tảng di động và thương mại điện tử định vị sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu. Theo dự báo, năm 2018 sẽ là thời điểm của thương mại điện tử khi người dân hầu như đã rất quen thuộc với mua sắm trực tuyến.

Giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ… vẫn sẽ là một yếu tố quan trọng thu hút người dùng mua hàng trực tuyến. Đồng thời, một khi càng nhiều người tiêu dùng biết về thương mại điện tử thì thương hiệu, cung cách phục vụ, nền tảng công nghệ, các dịch vụ gia tăng như vận chuyển, thanh toán, hậu mãi, sẽ phải càng hoàn thiện hơn.

Nhiều thách thức, rào cản

Hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử rất có tiềm năng phát triển, song trong bối cảnh nền kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực này vẫn còn đối mặt với không ít thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, làn sóng đầu tư của các đối thủ ngoại vào Việt Nam cho thấy, thương mại điện tử trong tương lai có thể chỉ là sân chơi của những tên tuổi lớn. Nhiều chuyên gia dự đoán, trong tương lai không xa, thương mại điện tử Việt Nam sẽ bị thống lĩnh bởi 2 hoặc 3 công ty chiếm đến 80% thị phần và những công ty nhỏ hơn chỉ còn cách đi vào thị trường ngách.

Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ người tiêu dùng trẻ hiện khá ưa chuộng mua hàng qua các website thương mại điện tử của nước ngoài như Amazon, eBay… do hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng và phù hợp với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ thành thị, trong khi chi phí hoàn tất đơn hàng đối với các hợp đồng mua hàng trực tuyến từ nước ngoài thấp hơn…

Thứ hai, môi trường cạnh tranh khốc liệt không dành cho các DN có năng lực tài chính, công nghệ, quản trị… yếu kém. Thực tế, tiềm lực vốn là trở ngại lớn đối với DN nội nếu muốn cạnh tranh với ngành thương mại điện tử nước ngoài. Ngoài ra, nếu không cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà cung cấp các giải pháp thương mại điện tử thì rất dễ bị tốn chi phí mà không thu lại được nguồn lợi gì.

Thứ ba, nhiều thống kê và báo cáo cũng cho thấy, số lượng người dùng internet mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng vẫn thấp hơn các nước khu vực. Cụ thể, có 90% người dùng Internet tại Indonesia mua sắm trực tuyến thông qua thiết bị di động, cao nhất Đông Nam Á. Trong khi, con số này tại Việt Nam là 70%, thấp nhất Đông Nam Á. Tại Đông Nam Á, trung bình chỉ có 47% DN áp dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD), trong khi ở Việt Nam có đến hơn 80% DN hỗ trợ phương thức thanh toán COD. Ở Singapore và Malaysia, tỷ lệ này chỉ 20%.

Thứ tư, phần lớn DN Việt, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không phải qua các nhà phân phối trung gian. Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước cũng vẫn yếu so với nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm quốc nội vẫn lép vế so với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác…

Thứ năm, cơ sở hạ tầng công nghệ chưa tốt không chỉ khiến cho thương mại điện tử của Việt Nam khó cạnh tranh với các quốc gia phát triển khác có thể đối mặt với các sự cố không mong muốn hoặc thách thức về an ninh mạng. Thống kê của Lazada tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử 2017, trong sự kiện cáp quang AAG bị đứt vào 2,3 tuần năm 2016, Lazada đã mất tới 30% doanh thu trung bình trong một ngày.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật thông tin… trên các giao dịch điện tử vẫn chưa thể khiến người tiêu dùng an tâm. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để buộc các DN cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong thương mại điện tử không được thực hiện một số hành vi có thể xâm hại tới quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa có tính khả thi cao nên người tiêu dùng vẫn chịu nhiều thiệt thòi và cảm thấy không yên tâm khi mua sắm online.

Một số khuyến nghị phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam

Nằm trong khu vực được đánh giá là phát triển năng động nhất về thương mại điện tử trên thế giới, Việt Nam có cả những thuận lợi và thách thức. Các xu hướng phát triển của thương mại điện tử Việt Nam thời gian tới sẽ không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, cụ thể như: Các công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0 (dữ liệu lớn, internet của vạn vật...) sẽ khởi nguồn những hình thái ứng dụng thương mại điện tử mới trong thời gian tới; Các mô hình kinh tế chia sẻ phát triển mạnh; Phương thức bán hàng đa kênh được ứng dụng rộng rãi trong DN; Thương mại điện tử xuyên biên giới, phát triển nhanh; Thương mại điện tử trên di động và thanh toán di động trở nên phổ biến. Do vậy, trong thời gian tới, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, hoàn thiện môi trường pháp lý. Để thương mại điện tử phát triển cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý, thông qua việc ban hành và thực thi các đạo luật và các văn kiện dưới luật điều chỉnh các hoạt động thương mại, thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về giao dịch thương mại điện tử.

Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho phát triển thanh toán điện tử nhằm tăng cường lòng tin của người sử dụng và giới DN vào hệ thống thanh toán điện tử. Tăng cường điều phối, hợp tác chính sách phát triển dịch vụ thanh toán điện tử trong nước và quốc tế, liên quốc gia, liên ngành.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách quy định không còn phù hợp với sự phát triển thương mại điện tử…

Thứ hai, Nhà nước cần đầu tư trực tiếp và có chính sách tiếp tục khuyến khích và thu hút đầu tư của xã hội, đầu tư tư nhân nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công phục vụ cho thương mại điện tử. Các cơ quan nhà nước phải ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm công, đấu thầu; gắn với cải cách hành chính, minh bạch hóa, nâng cao hiệu lực nền hành chính quốc gia, và xây dựng chính phủ điện tử.

Ngân hàng Nhà nước cần tích cực triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thanh toán điện tử; Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công như hải quan điện tử; kê khai thuế và nộp thuế, làm các thủ tục xuất, nhập khẩu điện tử…

Thứ ba, đảm bảo an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử. Thương mại điện tử có nhiều tác động tích cực nhưng cũng dễ bị tin tặc phát tán virus, tấn công vào các website; Phát tán thư điện tử, tin nhắn rác; đánh cắp tiền từ các thẻ ATM… Mặt khác, qua internet cũng xuất hiện những giao dịch xấu như: ma túy, buôn lậu, bán hàng giả… do vậy, cần có cơ chế kiểm soát các hoạt động vi phạm.

Trong đó, cần yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử tăng cường quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, có biện pháp ngăn chặn, xử phạt với các DN bán hàng giả, hàng nhái… Đối với các DN và các sàn thương mại điện tử, cần tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử. Nếu có nền tảng công nghệ chắc chắn và ổn định, người dùng dễ tiếp cận hơn thì chắc chắn rảo cản cho thương mại điện tử sẽ được thu hẹp.

Thứ tư, cần nâng cao khả năng quản trị DN thông qua hợp tác và tăng sức cạnh tranh. Các DN cần nghĩ đến phương án xây dựng mối quan hệ cộng sinh cho riêng mình, hợp tác để đáp ứng từng phần trong quy trình thương mại điện tử, tránh tự trói chính mình trong sợi dây áp lực “tự thực hiện”.

Thứ năm, đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Muốn phát triển thương mại điện tử, ngoài việc đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia tin học mạnh, thường xuyên bắt kịp các thành tựu công nghệ thông tin mới phát sinh, có khả năng thiết kế các phần mềm đáp ứng các nhu cầu của kinh tế số hóa, cũng đòi hỏi mỗi người tham gia thương mại điện tử phải có khả năng sử dụng máy tính, có thể trao đổi thông tin một cách thành thạo trên mạng, có những hiểu biết cần thiết về thương mại, luật pháp… Bởi vậy, cần đào tạo các chuyên gia tin học và phổ cập kiến thức về thương mại điện tử không những cho các DN, các cán bộ quản lý của nhà nước mà cho cả mọi người dân.

Ngoài ra, Chính phủ và các DN cần kết hợp với người tiêu dùng đẩy mạnh hoạt động truyền thông và giáo dục, tăng cường quảng bá, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn trong toàn xã hội để thanh toán điện tử trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc.

Thứ sáu, chủ động hợp tác về thương mại điện tử với các quốc gia và các tổ chức quốc tế thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và thương mại phi giấy tờ. Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 ngày 8/11/2017 đã thông qua một trong những văn kiện quan trọng bắt nguồn từ sáng kiến của Việt Nam, đó là Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC.

Là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới, từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở thời điểm hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, thương mại điện tử xuyên biên giới ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu.

Nhằm phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới, đóng góp tích cực cho liên kết thương mại và kinh tế khu vực, Việt Nam cần phối hợp với các thành viên APEC hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý thương mại điện tử của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực; Tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới; Giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong thương mại điện tử xuyên biên giới…

Tài liệu tham khảo:

1. Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (2018), Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018;

2. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (2015), Thương mại điện tử ở Việt Nam và một số giải pháp điều hành;

3. Công Lý (2017), Thương mại điện tử Việt Nam: Tiềm năng và thách thức, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp;

4. Hương Xuân (2017), Thương mại điện tử Việt Nam cần làm gì để phát triển nhanh hơn?, Tạp chí The Leader;

5. ThS. Phạm Thanh Bình (2017), Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong quá trình hội nhập AEC, Tạp chí Tài chính tháng 6/2017.

ThS. Trần Anh Thư, ThS. Lương Thị Minh Phương - Đại học Thương mại

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-o-viet-nam-trong-boi-canh-kinh-te-so-138944.html