Phát triển thủy sản còn gập ghềnh - kỳ 1: Thiếu cả lượng lẫn chất
Giá trị sản xuất thủy sản tính riêng năm 2022 ước đạt 2.345 tỷ đồng, chiếm 32,2% so với toàn ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy, phát triển thủy sản có vai trò quan trọng, được xác định phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nói riêng. Tuy nhiên, tiến trình phát triển lĩnh vực quan trọng này còn lắm gập ghềnh.
Sản lượng và chất lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt trong những năm gần đây tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Nuôi trồng lạc hậu
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong năm qua được đánh giá tiếp tục duy trì ổn định. Sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tăng bình quân 4,67% so với năm trước. Đây có thể là tín hiệu vui đối với NTTS trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh thường xuyên. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào con số sản lượng tăng sẽ khó có thể đánh giá thực tế hiệu quả của lĩnh vực nuôi trồng cũng như khai thác thủy hải sản của tỉnh.
Một thực tế có thể nhận thấy rõ là thời tiết, nắng nóng ngày càng khắc nghiệt, môi trường ao nuôi, vùng nước cấp thay đổi thất thường, diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến NTTS. Đây là một trong những yếu tố chính dẫn đến thủy sản nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh, chết chỉ sau một vài tuần thả nuôi, hoặc không thể duy trì sinh trưởng đến cuối vụ. “Nhiều vụ nuôi tôm gần đây liên tục bị dịch bệnh, chết, các hộ nuôi thua lỗ triền miên. Người dân gần như bất lực đành bỏ hoang ao nuôi, trong khi nợ nần chồng chất”, ông Võ Kháng, một hộ nuôi tôm ở Phong Hải (Phong Điền) nêu thực trạng nan giải.
Thời tiết khắc nghiệt chỉ là một trong nhiều yếu tố, nguyên nhân thất bại trong NTTS. Hầu hết các hộ nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển đều tự phát, thiếu cả kiến thức khoa học, kỹ thuật lẫn kinh nghiệm nuôi tôm chân trắng theo hướng công nghiệp, hiện đại. Người nuôi tôm gần như hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố may mắn, thời tiết thuận lợi, trong khi hoàn toàn thiếu năng lực ứng phó với điều kiện thời tiết thất thường, biến đổi khí hậu.
Có thể minh chứng điều này, khi nhiều năm trước đây chưa ảnh hưởng nhiều do thời tiết, môi trường ổn định nên nuôi tôm trên cát ven biển rất hiệu quả, nhiều hộ phất lên khá giả, làm giàu. Từ khi ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết, môi trường thay đổi thì người dân hoàn toàn bất lực trong ứng phó. Với mô hình nuôi tôm theo hướng công nghiệp, nhưng nhìn tổng thể ao nuôi của người dân chỉ một dàn quạt sục khí, rất sơ sài, mong manh, thiếu bài bản. Cả một vùng ao nuôi rộng lớn như ở Phong Hải đến 70ha lại không có một ao lắng xử lý nước thải, nước cấp an toàn. Nguồn nước biển, nước ngọt đều lấy trực tiếp đưa vào ao nuôi, không qua xử lý môi trường.
Ngành thủy sản cũng đã triển khai ứng dụng thành công một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu như nuôi tôm bằng ao tròn trên diện tích nhỏ gọn ở vùng cát Ngũ Điền, Phú Lộc, nhưng hầu hết người dân không chịu học tập làm theo. Trong khi mô hình ao vuông, ao chữ nhật với diện tích lớn hàng ngàn ha được xem đã lạc hậu, khó thích ứng với thời tiết đang ngày càng khắc nghiệt.
Dịch bệnh, thua lỗ triền miên đã đành, những vụ “nuôi được”, đạt sản lượng khá thì giá cả lại bấp bênh, hạ thấp. Điều này cũng dễ hiểu khi chất lượng sản phẩm thấp, dư lượng kháng sinh, chất hóa học vượt quá giới hạn cho phép, kích cỡ tôm không đạt yêu cầu là cơ hội cho lái buôn ép giá. Nhiều hộ nuôi tôm chân trắng ở Ngũ Điền thừa nhận, theo mô hình ao nuôi, công nghệ nuôi như hiện nay thì không thể không sử dụng kháng sinh và một số hóa chất để phòng ngừa dịch bệnh, kích thích tôm sinh trưởng. Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam những năm đầu “đứng chân” trên đất Phong Điền từng thiện chí liên kết với người dân nuôi tôm trên cát và bao tiêu sản phẩm, nhưng phương thức nuôi của người dân thiếu an toàn, chất lượng sản phẩm thấp nên đã rút lui.
Khai thác bấp bênh
Khai thác thủy hải sản năm qua đạt gần 41 ngàn tấn, tăng 1,69% so với năm trước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi lĩnh vực khai thác trên sông và đầm phá tương đối ổn định, hiệu quả thì khai thác biển khá bấp bênh, nhất là đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác biển năm 2022 tăng là nhờ số tàu đánh bắt xa bờ tăng 21 chiếc so với năm trước. Số tàu đánh bắt xa bờ được ngư dân mua từ ngoại tỉnh trong năm qua, tương đương 5% năng lực đội tàu khai thác xa bờ toàn tỉnh.
Sản lượng hải sản khai thác biển đều tăng hằng năm nhưng chất lượng, giá trị sản phẩm thấp hơn so với nhiều năm trước. Chủ tàu vỏ thép Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) rất lo lắng trước hiệu quả đánh bắt xa bờ những năm gần đây không mấy khả quan. Tàu vỏ thép công suất lớn của ông Chiến có thể “ngang dọc” trên biển nhưng nhiều chuyến vươn khơi chỉ mang về những mẻ cá nục, hố, bánh lái, nục suôn, ngừ ồ... giá trị kinh tế thấp. Vào các thời điểm xăng dầu, nhiên liệu tăng cao, trong khi giá hải sản lại thấp nên nhiều chuyến biển không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Ông Chiến bảo, vùng biển xa bờ, kể cả trung bờ và gần bờ một thời có nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cam, chủa, thu, cờ, ngừ đại dương... Còn bây giờ, các loại cá có giá trị kinh tế xuất hiện vùng gần bờ rất hiếm, tàu phải vươn khơi, đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mới có các loại cá này. Trong khi giữa đại dương mênh mông rất khó có thể dò tìm luồng cá lớn để khai thác, trong khi đó ngư cụ, thiết bị dò cá của ngư dân hiện nay đã lạc hậu. Tại nhiều tỉnh, thành ngư dân đầu tư máy dò cá hiện đại có giá hàng tỷ đồng, còn ở Thừa Thiên Huế hầu hết chỉ đầu tư máy dò cá cao lắm cũng chỉ vài trăm triệu đồng.
Hầm bảo quản hải sản sau thu hoạch có vai trò rất quan trọng, giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng trong quá trình khai thác dài ngày trên biển. Tuy nhiên, công nghệ, hầm bảo quản hải sản của các tàu cá hiện nay còn nhiều hạn chế, độ lạnh chưa đủ sâu, thời gian giữ nhiệt không lâu… Hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng, mà còn làm thất thoát một lượng lớn sản phẩm từ 10-25%.
Giám đốc điều hành Nhà máy chế biến - Công ty TNHH Phú Song Hường, ông Trần Mai Anh cho rằng, bình quân mỗi ngày các tàu trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu sản lượng, công suất thu mua, chế biến của các công ty trên địa bàn tỉnh. Các loại hải sản chủ yếu như cá nục, ngừ ồ, bánh lái, hố, mực... hoàn toàn không thể xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật... Các loại hải sản cập bờ có độ tươi chỉ đạt trên dưới 70%, chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Thái Lan, Malaysia, Philippinines, Trung Quốc, giá trị kinh tế không cao.
Giám đốc Công ty CP Phát triển thủy sản tỉnh, ông Nguyễn Thanh Túc khẳng định, tôm nuôi trên địa bàn tỉnh lâu nay hoàn toàn không thể xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật... Phương thức nuôi thiếu an toàn, dư lượng kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm vượt quá giới hạn cho phép chính là rào cản lớn trong xuất khẩu tôm sang thị trường lớn. Không chỉ chất lượng không đảm bảo, nguồn nguyên liệu tôm trên địa bàn tỉnh cũng chỉ đáp ứng khoảng 10% công suất chế biến xuất khẩu của công ty, còn lại công ty phải nhập từ nước ngoài và các tỉnh phía khác để chế biến.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Đưa giá trị xuất khẩu mỗi năm đạt 70-100 triệu USD