Phát triển Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành mô hình kiểu mẫu, chuyên nghiệp, hiện đại

Sáng 11/2, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Đề án phát triển Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường).

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng - Trưởng Ban soạn thảo nhấn mạnh, Trường cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức, lựa chọn phương thức đào tạo. Ảnh: Nguyễn Ly

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng - Trưởng Ban soạn thảo nhấn mạnh, Trường cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức, lựa chọn phương thức đào tạo. Ảnh: Nguyễn Ly

Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo theo Quyết đinh số 39/QĐ-KTNN của Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Tổ giúp việc.

Trình bày Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển Trường, ông Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường, Phó Trưởng ban thường trực cho biết, định hướng xây dựng và phát triển Trường thành mô hình mẫu tiêu biểu của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trực thuộc Bộ, ngành có chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo đó, Trường tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về pháp luật, văn hóa, đạo đức công vụ góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp trong sáng của đội ngũ công chức, viên chức KTNN; Đổi mới nội dung, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn của Trường theo hướng khoa học, thiết thực, ứng dụng các phương pháp đào tạo tiên tiến để nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ công chức, viên chức của KTNN, đáp ứng yêu câu nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn mới.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học làm cơ sở xây dựng chiến lược, chính sách phát triển KTNN và dự báo, định hướng những vấn đề phát sinh, tạo bước phát triển vượt bậc về hoạt động chuyên môn kiểm toán dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ mới. Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn hoạt động kiểm toán; nghiên cứu hoàn thiện các mô hình, phương pháp quản lý, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán. Nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, gắn kết quả nghiên cứu khoa học với ứng dụng vào hoạt động thực tiễn kiểm toán.

Giám đốc Trường Trần Kim Lộc - Phó Trưởng ban thường trực trình bày Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển Trường. Ảnh: Nguyễn Ly

Giám đốc Trường Trần Kim Lộc - Phó Trưởng ban thường trực trình bày Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển Trường. Ảnh: Nguyễn Ly

Bên cạnh đó, Trường cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn về hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngoài Ngành, góp phần hướng đến xây dựng một nền tài chính Quốc gia minh bạch, hiệu quả và xây dựng hình ảnh, thương hiệu của KTNN, Trường ngày càng uy tín, chuyên nghiệp.

Cùng với đó, hoàn thiện bộ máy tổ chức tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy và quản lý tiên tiến. Hoàn thiện cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác quản trị - điều hành.

TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II đề xuất việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, giảng dạy, tài liệu học. Ảnh: Nguyễn Ly

TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II đề xuất việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, giảng dạy, tài liệu học. Ảnh: Nguyễn Ly

Cơ bản thống nhất với các nội dung trong đề cương của Đề án và phân công nhiệm vụ, tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo đã thảo luận và nêu ra nhiều ý kiến về định hướng phát triển Trường.

TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II nhấn mạnh 3 trụ cột phát triển gồm: Trường, nghiên cứu khoa học và Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán. Theo đó, cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính, tổ chức bộ máy phải xoay quanh 3 trụ cột này. Ban soạn thảo phải đánh giá từng yếu tố theo 3 trụ cột, từ đó xây dựng đề án thành lập mô hình Trường kiểu mẫu.

Các Bộ, ngành hiện nay đều có trường đào tạo, viện nghiên cứu khoa học và tạp chí riêng, trong khi đó, KTNN đã ghép 3 đơn vị này vào một chức năng của Trường, như vậy đã là kiểu mẫu. Tiếp theo đây, chúng ta nghiên cứu để có một mô hình chuyên nghiệp hơn, hoàn thiện về cơ sở vật chất đảm bảo tính tập trung, hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, giảng dạy, tài liệu học…, TS. Lê Đình Thăng đề xuất.

Đồng quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Văn Tạo cho rằng, để Trưởng phát triển thành mô hình kiểu mẫu thì phải tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo; nghiên cứu khoa học phải đi trước, đón đầu, phục vụ thiết thực cho hoạt động của KTNN. Như vậy, ứng dụng công nghệ thông tin phải được ưu tiên hàng đầu và phục vụ công tác đào tạo.

Trường tập trung vào công tác đào tạo cho Ngành, đảm bảo chất lượng kiểm toán viên ngày càng được nâng cao, vượt trội, như vậy mới thể hiện được yếu tố kiểu mẫu, chuyên nghiệp. Về nhân lực, Trường cần rà soát, tính toán kỹ phương án tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo đội ngũ giảng viên, nhân viên phù hợp.

TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đề xuất tham khảo tài liệu, học hỏi mô hình đào tạo, viện nghiên cứu của các cơ quan kiểm toán trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Ly

TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đề xuất tham khảo tài liệu, học hỏi mô hình đào tạo, viện nghiên cứu của các cơ quan kiểm toán trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Ly

Góp ý thêm về mô hình Trường, TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đề xuất tham khảo tài liệu, học hỏi mô hình đào tạo, viện nghiên cứu của các cơ quan kiểm toán trên thế giới (SAI), chẳng hạn như SAI Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… Từ đó, rút ra kinh nghiệm và xác định mô hình phù hợp với KTNN Việt Nam.

Thực tế, nhiều SAI triển khai học trực tuyến, phương thức đào tạo linh hoạt, đội ngũ giảng viên, chuyên gia đến từ nội bộ và các hiệp hội, tổ chức bên ngoài. Như vậy, chúng ta phải có một định hướng rõ ràng, học hỏi kinh nghiệm, kế thừa các mô hình hay, từ đó tính đến bài toán về nhân lực, cơ sở vật chất, quản lý điều hành.

Liên quan đến cơ sở vật chất, các thành viên Ban soạn thảo đã thảo luận về thực trạng các trụ sở, phòng học của Trường hiện nay và định hướng, tầm nhìn trong thời gian tới gắn với việc thiết kế mô hình chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng phương án đầu tư, chuẩn bị nguồn lực phù hợp…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng - Trưởng Ban soạn thảo nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần tham khảo mô hình đào tạo của các Bộ, ngành, tổ chức, ngân hàng trong nước, các SAI để lựa chọn, tìm ra mô hình phù hợp với KTNN. Đồng thời, căn cứ trên các quy định hiện hành để xác định các yêu cầu cơ bản, từ đó phát triển, xây dựng mô hình hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đề án phát triển Trường phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, cụ thể từng nội dung từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tài chính, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, phát triển Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán và đáp ứng chiến lược phát triển của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng yêu cầu.

Theo đó, đối với hoạt động đào tạo, Trường cần nghiên cứu, có thể lựa chọn các cuộc kiểm toán, báo cáo kiểm toán chất lượng vàng để làm mẫu, tài liệu thực tế phục vụ đào tạo kiểm toán viên; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức, lựa chọn phương thức đào tạo; học hỏi cách thức đào tạo của các SAI; đảm bảo sự chuẩn chỉnh, khoa học từ giáo trình đến chương trình, nội dung đào tạo. Công tác đào tạo ngoài ngành cũng phải đảm bảo cập nhật các nội dung, quy định mới nhất, mời chuyên gia giỏi để giảng dạy.

Về nghiên cứu khoa học, mở rộng đối tượng nghiên cứu và mời chuyên gia ngoài ngành để tăng chất lượng và học hỏi kiến thức, kinh nghiệm; có chỉ tiêu cụ thể để nâng cao chất lượng nghiên cứu. Đối với Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán, đây là sản phẩm đầu ra, thể hiện rõ hàm lượng khoa học và tính chuyên môn sâu, vì vậy, phải mở rộng cộng tác viên, mời các chuyên gia, nhà khoa học ngoài ngành cùng tham gia nghiên cứu, viết bài.

Ngoài ra, Trường lưu ý đến việc phải có các bài nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, có chỉ tiêu và quy chế riêng để tăng số lượng các bài báo quốc tế trong Ngành. Tạp chí cần hướng tới mục tiêu tăng hàm lượng khoa học, tăng chất lượng để nâng điểm; có lộ trình cụ thể để nâng điểm lên 0,75, tiến tới được 1 điểm khoa học.

Về cơ sở chật chất, Trường khẩn trương lên phương án cụ thể, đánh giá thực trạng tại các cơ sở hiện nay, đề xuất phương án trình Văn phòng và lãnh đạo KTNN để xem xét, phê duyệt.

Theo kế hoạch, trong tháng 02/2025, Trưởng tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm các mô hình đào tạo trong nước, sau đó Ban soạn thảo tiếp tục thảo luận, hoàn thiện đề án. Đề án phát triển Trường dự kiến hoàn thiện, trình Tổng Kiểm toán nhà nước trước ngày 30/6/2025.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phat-trien-truong-dao-tao-va-boi-duong-nghiep-vu-kiem-toan-thanh-mo-hinh-kieu-mau-chuyen-nghiep-hien-dai-38123.html