Phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương từ chương trình OCOP

Nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương và mở ra cơ hội thuận lợi cho người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị hàng nông sản góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn… huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã, đang và sẽ quyết tâm xây dựng, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng phát triển bền vững.

Hiệp Hòa đẩy mạnh quảng bá giới thiệu các sản phẩm Ocop (nguồn Bắc giang.TV)

Hiệp Hòa đẩy mạnh quảng bá giới thiệu các sản phẩm Ocop (nguồn Bắc giang.TV)

Trong những năm trở lại đây, nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Hiệp Hòa đã thu được nhiều kết quả tích cực trong Chương trình OCOP. Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, đến năm 2030 có 50 sản phẩm OCOP theo quy định. Xác định triển khai Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, giai đoạn 2023 và các năm tiếp theo được xác định tập trung cho sản xuất, ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP của huyện. UBND huyện vừa phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận cho 4 sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đợt 1 năm 2023 bao gồm: Giò lụa Đồng Phương, hộ gia đình Đồng Văn Phương, thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm; Bắp giò xông khói heo thảo dược Bình Minh, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, thôn Nam Đồng, xã Danh Thắng; Mật ong ý hoa nhãn, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hiến, thôn Trung Thành, xã Hùng Sơn.

Là một trong những đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Huyện Hiệp Hòa, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh được thành lập năm 2016, xây dựng mô hình chăn nuôi và cơ sở giết mổ, đóng gói theo quy trình khép kín 3F (Feed – Fram – Food) với các sản phẩm như: Thịt lợn sơ chế đóng gói, giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, dăm bông, giò lụa heo thảo dược, chả lụa heo thảo dược, xúc xích heo thảo dược… được tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Bắc Giang, Hà Nôi, Thái Nguyên, Bắc Ninh... trong đó, giò lụa heo thảo dược, chả lụa heo thảo dược, xúc xích heo thảo dược Bình Minh đã được công nhận OCOP 4 sao. Anh Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh chia sẻ, quy trình “Feed – Fram – Food” được HTX vận dụng triển khai nghiêm ngặt ngay từ khâu sử dụng thức ăn chăn nuôi cho lợn hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu chất lượng được bổ sung dược liệu và các chế phẩm vi sinh, đảm bảo không chất tạo nạc, không chất tăng trọng, không dư lượng kháng sinh và các chất cấm khác, từ đó nâng cao hiệu suất hấp thu thức ăn, chất lượng thịt tốt, thơm ngon. Cùng với đó là hệ thống trang trại chăn nuôi đạt chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật và chứng nhận an toàn vệ sinh thú y. Các sản phẩm từ thịt lợn của HTX Bình Minh được sản xuất áp dụng máy móc cơ giới hiện đại theo quy trình chế biến khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giúp kiểm soát được chất lượng heo suất bán và chất lượng thịt heo tới tay người tiêu dùng.

Xác định triển khai Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, để thực hiện chương trình này UBND huyện Hiệp Hòa đã có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình cũng đã bộc lộ những yếu điểm, đòi hỏi cần điều chỉnh kịp thời, nhanh chóng như: Các sản phẩm của địa phương đang mang tính thời vụ, các chủ cơ sở năng lực kinh doanh còn hạn chế, chưa có mạnh dạn để đầu tư, đổi mới khoa học kỹ thuật để sản xuất hàng hóa lớn, thiếu kiến thức về thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi nên quy mô sản xuất thường nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động tham gia thực hiện chương trình bước đầu còn hạn chế, chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia chương trình OCOP. Một số chủ cơ sở chưa chủ động tiếp cận thị trường, tham gia xúc tiến thương mại và tham gia công tác chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn.

Để nâng tầm sản phẩm OCOP, tạo thành phong trào sâu rộng, thời gian tới, huyện Hiệp Hòa sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình OCOP thông qua nhiều hình thức để tìm kiếm, xây dựng các ý tưởng sản phẩm tốt. Tập trung vào công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra, kết nối tiêu thụ sản phẩm như Phối hợp tham gia các Hội nghị xúc tiến, kết nối cung cầu trực tiếp và trực tuyến do các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tổ chức để kết nối giao thương với các doanh nghiệp, các nhà phân phối, nhà bán lẻ có uy tín và năng lực củacác tỉnh, thành phố với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện, nhằm mở rộng đối tác, thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ các cơ sở tổ chức sản xuất theo quy mô hàng hóa của các ý tưởng sản phẩm đã được xét duyệt, đảm bảo các sản phẩm đăng ký sẽ được công nhận sản phẩm đạt 3 sao trở lên, tiếp tục nâng cấp các sản phẩm có tiềm năng đã đạt chuẩn lên 4 sao. Đồng thời, rà soát lại tiến độ của từng cơ sở theo tuần, tháng để có giải pháp đôn đốc thực hiện; kịp thời phản ánh các khó khăn vướng mắc về các cơ quan liên quan để hỗ trợ cơ sở.

Xã Mai Trung phấn đấu đưa sản phẩm Dưa lưới thành sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn 3 sao trong năm 2023.

Xã Mai Trung phấn đấu đưa sản phẩm Dưa lưới thành sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn 3 sao trong năm 2023.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình ông Hoàng Văn Tiền, bà Nguyễn Thị Thúy, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung đã duy trì hiệu quả mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc với 2 nhà màng, quy mô 2 nghìn m2/nhà, là một trong những sản phẩm của huyện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vào cuối năm 2023. Dưa được trồng trên giá thể hữu cơ, chăm sóc đúng quy trình với các điều kiện như: Hệ thống tưới nhỏ giọt, nguồn giống bảo đảm nên dưa sinh trưởng phát triển tốt, không sâu bệnh, chất lượng cao; được các thương nhân về tận nơi thu mua, ký hợp đồng bao tiêu để cung cấp cho siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại với giá bán dao động từ 30-35 nghìn đồng/kg, mỗi nhà màng của gia đình cho khoảng 8 tấn quả, ước đạt tổng doanh thu hơn 500 triệu đồng từ 2 nhà màng, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng/vụ.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của các chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện, việc thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Hiệp Hòa sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước giúp người dân tiếp cận với kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm truyền thống góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Hà Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phat-trien-nang-cao-gia-tri-san-pham-dia-phuong-tu-chuong-trinh-ocop-a621729.html