Phát triển vaccine chống ngộ độc thực phẩm do norovirus

Nghiên cứu mới được công bố đã chỉ ra một cách tiếp cận sáng tạo, sử dụng vaccine để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm do nhiễm norovirus, một trong những bệnh nhiễm virus phổ biến và khó chữa nhất.

Virus là tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm, hội chứng nôn mửa, tiêu chảy ra nước. Có 2 loại virus riêng biệt chiếm phần lớn các trường hợp là rotavirus và norovirus. Trước khi vaccine rotavirus đầu tiên được tung ra vào năm 2006, mỗi năm, nửa triệu trẻ em trên khắp thế giới đã chết do tiêu chảy, do nhiễm rotavirus. Hiện con số được ước tính là khoảng 200.000 - vẫn còn cao nhưng là một sự cải thiện lớn.

Có 4 loại vaccine rotavirus đang được sử dụng trên khắp thế giới. Tất cả đều là vaccine virus sống, nghĩa là chúng dựa trên các dạng virus rota đã bị làm yếu đi có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch nhưng không làm cho người tiêm bị bệnh.

Cách tiếp cận mới có thể đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine cho nhiều loại sinh vật gây ngộ độc thực phẩm.

Cách tiếp cận mới có thể đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine cho nhiều loại sinh vật gây ngộ độc thực phẩm.

Hàng năm, norovirus cũng gây ra hàng trăm triệu ca ngộ độc thực phẩm và ít nhất 50.000 trẻ em tử vong nhưng hiện vẫn chưa có cách nào thực sự hiệu quả để kiểm soát. Loại virus này đã được chứng minh là đặc biệt khó nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và các nhà khoa học đã phải vật lộn để phát triển vaccine và thuốc hiệu quả.

Một nghiên cứu mới tại Trường Y Đại học Washington ở St. Louis mô tả một cách sáng tạo để tạo ra vaccine chống lại norovirus. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại vaccine thử nghiệm kết hợp rotavirus-norovirus bằng cách thêm một loại protein quan trọng từ norovirus vào một chủng virus rota vô hại. Những con chuột được tiêm vaccine thử nghiệm đã tạo ra kháng thể trung hòa chống lại cả rotavirus và norovirus.

Giáo sư Siyuan Ding, tác giả nghiên cứu cho biết: "Vaccine rotavirus đã hoạt động rất hiệu quả và đã có hệ thống phân phối toàn cầu, vì vậy, dựa vào đó, chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội để đạt được một số bước tiến trong việc chống lại norovirus".

Các nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng sử dụng rotavirus để vượt qua những khó khăn kỹ thuật khi nghiên cứu vaccine norovirus. Các nhà nghiên cứu đã chèn gen mã hóa protein hình thành nên bề mặt bên ngoài của norovirus ở người vào bộ gen của chủng rotavirus trong phòng thí nghiệm. Sau đó, họ cho chuột bị suy giảm miễn dịch sử dụng loại vaccine đã được sửa đổi, giống như cách tiêm vaccine rotavirus cho trẻ em.

Họ lấy mẫu máu và phân trong 4, 6 và 8 tuần sau đó. 9 tuần sau lần chủng ngừa ban đầu, các nhà nghiên cứu đã tiêm nhắc lại cho chuột và lấy mẫu lại một tuần sau đó. Một phản ứng kháng thể mạnh đã thể hiện rõ trong máu của 9 trong số 11 con chuột được thử nghiệm và trong ruột của tất cả 11 con chuột.

Giáo sư Ding cho biết: "Theo truyền thống, các nghiên cứu về vaccine tập trung vào phản ứng kháng thể trong máu. Nhưng norovirus và rotavirus là những loại virus đường ruột, vì vậy các kháng thể trong máu ít quan trọng hơn kháng thể trong ruột để chống lại những loại virus này. Việc chúng tôi thấy phản ứng kháng thể mạnh mẽ trong ruột là một dấu hiệu tốt".

Sức mạnh của nghiên cứu này là vạch ra một cách tiếp cận mới có thể đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine cho nhiều loại sinh vật gây bệnh tiêu chảy, đặc biệt là ở các quốc gia hạn chế về nguồn lực, nơi bệnh nhiễm trùng này xảy ra rất phổ biến.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

10.000 liều vaccine COVID-19 được bổ sung cho Hà Nội

Diệu Ngô

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-trien-vaccine-chong-ngo-doc-thuc-pham-do-norovirus-169230418115426654.htm