Phát triển văn hóa đọc ngày càng sâu, rộng trong CAND
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do COVID-19 nhưng hàng loạt các hoạt động nhằm phát triển phong trào đọc sách nói riêng, văn hóa đọc trong lực lượng CAND nói chung vẫn được triển khai một cách sâu, rộng và hiệu quả, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND, 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Những ngày gần đây, đông đảo học viên của Học viện Cảnh sát nhân dân vẫn hồi hộp ngóng chờ những kết quả cuối cùng của cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trong CAND. Bởi lẽ, trong số các đơn vị tham gia cuộc thi lần này, Học viện không chỉ là một trong số các trường có nhiều thí sinh dự thi nhất mà còn là một trong số các đơn vị có nhiều tác phẩm đã vượt qua vòng chung khảo nhất.
Trung tá Phan Văn Thịnh, Trưởng phòng Công tác Đảng và công tác chính trị của Học viện tự hào cho biết, trong cuộc thi lần này, Học viện có đến 2.118 bài dự thi. Sau nhiều vòng sàng lọc, Học viện chọn 22 công trình gửi dự thi cấp Bộ. Trong đó có 16 công trình đạt giải. Nhưng kết quả cụ thể như thế nào thì phải chờ lễ trao giải chính thức.
Học viện Cảnh sát nhân dân là 1 trong 10 trường trong Công an tham gia cuộc thi tìm kiếm Đại sứ Văn hóa đọc trong CAND năm 2020. Về cuộc thi này, Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị cho biết: Mặc dù cuộc thi diễn ra trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19 và các học viện, trường CAND tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình tổ chức mới nhưng các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực tham gia.
Trong số trên 14.000 bài dự thi lần này, có rất nhiều bài chất lượng tốt. Các bài thi thể hiện rõ ràng, khoa học, sáng tạo. Những bài đạt giải cao đã giới thiệu, chia sẻ cảm nhận về tác phẩm với hình thức, nội dung thể hiện độc đáo, nêu bật được ý nghĩa, tác dụng của tác phẩm đối với cá nhân, cộng đồng, xã hội. Nhiều bài có ý tưởng về phát triển văn hóa đọc có tính ứng dụng thực tế cao. Các bài thi bằng hình thức clip đã được các thí sinh đầu tư công phu, có sử dụng đạo cụ trực quan. Chất lượng hình ảnh, âm thanh của video rõ nét tạo cho người xem hứng thú và thu hút, lan tỏa tình yêu đối với tác phẩm giới thiệu đến độc giả…
Thực tế, cuộc thi tìm kiếm Đại sứ Văn hóa đọc chỉ là một trong rất nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát triển văn hóa đọc ngày càng sâu rộng hơn trong toàn lực lượng Công an. Thiếu tá Đỗ Thu Thơm, Phó trưởng phòng Văn hóa văn nghệ và Thư viện CAND chia sẻ: Riêng việc hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, tôn vinh sách và quảng bá cho văn hóa đọc, hưởng ứng lời kêu gọi của UNESCO về lấy ngày 23-4 hàng năm là ngày “Sách và Bản quyền thế giới”, Bộ Công an đã tổ chức thành công rất nhiều cuộc thi tìm hiểu về sách, tuyên truyền, giới thiệu sách trong CAND.
Rất nhiều hoạt động thiết thực, nhiều mô hình, cách làm hay cũng đã được Công an các đơn vị địa phương tổ chức thành công: “Đơn vị học tập”, “Bạn trẻ đọc sách”, “Chia sẻ tri thức”, “Tự học, tự rèn, tự đào tạo”, “Mỗi tuần một cuốn sách hay, mỗi ngày thêm một kiến thức mới”, “Học đi đôi với làm theo Bác”, “Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một hạt nhân trong phong trào đọc”, phong trào “Giờ đọc báo buổi sáng”… Những hoạt động trên đã khơi dậy và lan tỏa tình yêu với sách, với văn hóa đọc đến tất cả cán bộ, chiến sĩ công an.
Về phát triển văn hóa đọc trong CAND, Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị cho biết: Thời gian qua, Bộ Công an đã trực tiếp chỉ đạo và chủ trì tổ chức hiệu quả rất nhiều hoạt động. Trong đó, Liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách lần thứ I, khối các học viện, trường CAND có sự tham gia của 15 đơn vị. Cuộc thi viết “Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND” có trên 85.000 bài dự thi của cán bộ chiến sĩ. Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, trong đó có các cuộc thi tìm hiểu về sách: “Tìm hiểu cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND”, hội thi “Thanh niên CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”…
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy triển khai hiệu quả phong trào “Sách với cán bộ, chiến sĩ CAND”; “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”. Trại giam Ninh Khánh có phong trào “Mỗi giờ lên thư viện”, “Mỗi tuần một cuốn sách”. Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND có phong trào đọc sách trong toàn trường. Công an Bình Định phát động “Tuần lễ đọc sách”.
Đoàn Thanh niên, Công an Kon Tum tổ chức chương trình “Ngày thứ sáu tình nguyện”, phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tham gia vệ sinh thư viện, sắp xếp và phân loại sách, báo. Công an Ninh Thuận tổ chức “Ngày hội sách và văn hóa đọc”.
Rất nhiều triển lãm được tổ chức như: Trưng bày sách “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại thư viện Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; trưng bày sách tại Trại giam Xuyên Mộc và tại các thư viện Học viện Chính trị CAND, Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND, Đại học Cảnh sát nhân dân. Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị chức năng ngoài ngành tổ chức lồng ghép giới thiệu, trưng bày sách với chủ đề “Hồ Chí Minh người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam”. Công an Đồng Tháp phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức triển lãm, giới thiệu sách với chủ đề “Tự học theo gương Bác Hồ vĩ đại”, giới thiệu các tác phẩm văn học về Bác Hồ và CAND, thu hút trên 3500 lượt tham quan; thi thuyết trình “Quyển sách tôi yêu” năm học 2019-2020.
Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an một số đơn vị đã tích cực vận động cán bộ, chiến sĩ, xây dựng kế hoạch, chương trình quyên góp, hiến tặng sách, báo, thành lập mới thêm các tủ sách. Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Cục An ninh kinh tế xây dựng Tủ sách pháp luật - nghiệp vụ của Cục, thu thập được hơn 200 đầu sách các loại. Công an Bình Định phối hợp với Thư viện tỉnh thành lập thêm 5 tủ sách pháp luật mới tại 5 đơn vị có trụ sở độc lập mới. Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp địa phương luân chuyển 2.000 cuốn sách tới công an các đơn vị, địa phương...
“Việc triển khai sâu rộng các hoạt động không chỉ nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách, xây dựng xã hội học tập, làm lan tỏa, truyền cảm hứng cho cán bộ chiến sĩ, học viên, sinh viên có thêm niềm đam mê đối với sách. Đây cũng là hoạt động nhằm góp phần hình thành lối sống lành mạnh, tăng khả năng sáng tạo trong rèn luyện, học tập, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin thư viện và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc trong các học viện, trường CAND, công an các đơn vị, địa phương”. Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy khẳng định.
Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, ngày 16-9, tại Hà Nội, Bộ Công an sẽ tổ chức lễ khai mạc Ngày hội sách và phát động phong trào đọc sách trong CAND. Song song với lễ khai mạc, Ban tổ chức cũng sẽ tổng kết, trao giải cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trong CAND năm 2020 và cuộc thi sáng tác tranh hội họa về các điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” trong CAND.