Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Hơn 3 năm qua, ngành Văn hóa đã phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Nỗ lực khơi dậy văn hóa đọc

Từ nhiều tháng nay, Nhà văn hóa tổ dân phố Hà Thanh 1 (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những ai yêu thích đọc sách. Trong không gian đơn sơ, người dân và các học sinh tìm được niềm vui qua những cuốn sách từ Tủ sách nhân ái. “Nhờ Tủ sách cộng đồng, chúng em được tiếp cận với những kiến thức cần thiết cho việc học tập, được trang bị thêm kỹ năng sống và giải trí. Khi biết có tủ sách cộng đồng này, sau giờ học, em và các bạn thường tới đây để đọc sách”, em Võ Thị Anh Thư - học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An cho biết. Theo bà Lê Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Ninh Đa, nắm bắt được nhu cầu đọc sách của chị em, học sinh và người dân nên hội đã cố gắng vận động thành lập mô hình Tủ sách nhân ái. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng đây đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa để mọi người đến đọc sách nhằm trang bị thêm kiến thức, học hỏi, trao đổi.

 Các em học sinh đọc sách tại Nhà văn hóa tổ dân phố Hà Thanh 1.

Các em học sinh đọc sách tại Nhà văn hóa tổ dân phố Hà Thanh 1.

Để khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng, ngành Văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động như: Ngày sách Việt Nam, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc; liên hoan thiếu nhi kể chuyện sách; Tuần lễ học tập suốt đời… Ngoài ra, ngành còn tổ chức triển lãm, trưng bày, thi xếp sách nghệ thuật, bán sách ưu đãi, thu gom sách ủng hộ các trường học vùng sâu, vùng xa, miền núi. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống thư viện từ tỉnh đến huyện và các điểm bưu điện văn hóa xã.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc phát triển văn hóa đọc vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là, điều kiện cơ sở vật chất tại các thư viện chưa được quan tâm đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu chưa được bổ sung kịp thời, đúng mức nên chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của độc giả; chưa có nguồn tài liệu số; chưa có tài liệu dành cho người khiếm thị, khiếm thính, người dân tộc thiểu số. Mặt khác, trình độ của đội ngũ cán bộ về lĩnh vực thư viện còn hạn chế và chưa tương xứng với sự phát triển nhanh của ngành trong xu hướng công nghệ 4.0. Ngoài ra, mô hình luân chuyển sách đến cơ sở của Thư viện tỉnh, thư viện huyện chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ nhu cầu đọc của người dân...

 Người dân tổ dân phố Hà Thanh 1 đọc sách từ mô hình Tủ sách nhân ái.

Người dân tổ dân phố Hà Thanh 1 đọc sách từ mô hình Tủ sách nhân ái.

Sẽ tạo sự chuyển biến

Nhằm tạo bước chuyển biến về văn hóa đọc trong 10 năm tới, ngành Văn hóa đặt mục tiêu xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh - sinh viên, người dân vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Để đạt được điều đó, việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, vốn tài liệu, cải thiện môi trường đọc nhằm tạo cơ hội để người dân tiếp cận dễ dàng với văn hóa đọc là rất cần thiết. Ngành Văn hóa sẽ cố gắng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin vào trong hệ thống thư viện công cộng và thư viện cơ sở giáo dục các cấp; xây dựng Thư viện tỉnh trở thành thư viện hiện đại, thư viện số theo hướng tự động hóa và kết nối liên thông đến thư viện các cấp trong cả nước. Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành Văn hóa sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Tăng cường vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng và duy trì thói quen đọc sách. Bên cạnh đó, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng; hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa; tăng cường giao lưu văn hóa trong lĩnh vực xuất bản, thư viện và các hoạt động văn hóa khác.

Giang Đình

Ngành Văn hóa đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Thư viện tỉnh, 100% thư viện cấp huyện và 50% thư viện cấp xã tổ chức cung cấp dịch vụ Internet miễn phí; lượng độc giả là học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học đạt 80%; có 30% người dân ở khu vực nông thôn, 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã. Đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc, có 50% người dân tiếp nhận, sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc; 85% người sử dụng thư viện thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu, giải trí. Thông qua đó, nâng mức hưởng thụ bình quân sách là 5 bản/người dân; mỗi người dân trung bình đọc 4 cuốn sách/năm; có 100% cơ sở giáo dục có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định.

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202011/phat-trien-van-hoa-doc-trong-cong-dong-8194499/