Phát triển văn hóa, du lịch trong kỷ nguyên số

Thời gian qua, việc chuyển đổi số trong ngành văn hóa đã mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, thể thao và du lịch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà quản lý, việc triển khai chuyển đổi số trong ngành văn hóa còn hạn chế, chưa bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTT&DL đã bước đầu số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của một số lĩnh vực nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành. Đơn cử như số hóa dữ liệu và cập nhật thông tin di sản văn hóa tại các phần mềm hệ thống thông tin quản lý được triển khai trên phạm vi toàn quốc; số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu về lĩnh vực du lịch; số hóa, chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ.

Du khách trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Minh An

Du khách trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Minh An

Theo TS Phạm Thị Khánh Ngân – Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL cho biết, với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu lưu trữ dữ liệu số, có thể kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng. Điều này cũng phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của Nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới.

Với lĩnh vực thể thao, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao, Cục Thể dục thể thao Lý Đức Thùy chia sẻ, ngành thể dục thể thao đã ưu tiên đầu tư triển khai xây dựng, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý huấn luyện, đào tạo vận động viên các đội tuyển.

Hệ thống thông tin đã hỗ trợ cho quá trình tương tác giữa vận động viên, huấn luyện viên và nhà quản lý trong quá trình huấn luyện. Đồng thời, cơ sở dữ liệu trong quá trình đào tạo, huấn luyện sẽ còn phục vụ cho công tác tuyển chọn vận động viên và quản lý huấn luyện theo từng giai đoạn, hỗ trợ kiểm tra, đánh giá kết quả.

Tương tự với du lịch, dữ liệu công nghệ thông tin là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện chuyển đổi số thành công, phát triển du lịch thông minh. Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho hay, xây dựng kho dữ liệu số, đặc biệt phát triển các cơ sở dữ liệu là một nhiệm vụ cần thiết nhằm giúp cho công tác quản lý ngành thực chất, hiệu quả, hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành du lịch.

Cần có tính tổng thể, đồng bộ

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, để đảm bảo yêu cầu hoạt động có hiệu quả trong công tác lưu trữ, quản lý, tra cứu dữ liệu về văn hóa và thể thao, năm 2022 - 2023, Sở đã tổ chức triển khai số hóa tài liệu lưu trữ; cơ sở dữ liệu hệ thống dữ liệu ứng dụng công nghệ số hóa tư liệu trong quản lý và bảo tồn di sản văn hóa; phần mềm thư viện số và số hóa sách, báo, tạp chí tại Thư viện Hà Nội; xây dựng cơ sở dữ liệu số 3D di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng. Ảnh: Minh An

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng. Ảnh: Minh An

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, việc triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ VHTT&DL cần có tính tổng thể, đồng bộ, để các địa phương không phải sử dụng nhiều phần mềm.

Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể và kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu ngành để địa phương không gặp khó khăn trong việc chủ động triển khai các hệ thống.

Hiện vật đĩa gốm - đồ dùng nhà vua thời Lê sơ được trưng bày ứng dụng công nghệ 3D mapping tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Minh An

Hiện vật đĩa gốm - đồ dùng nhà vua thời Lê sơ được trưng bày ứng dụng công nghệ 3D mapping tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Minh An

Chia sẻ một số bài học kinh nghiệm qua thực tiễn triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đại diện Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, triển khai các hệ thống thông tin, cở sở dữ liệu là khó, phức tạp, có sự rủi ro cao.

Do đó, đầu tư cho các hệ thống thông tin và cở sở dữ liệu phải đồng bộ, có lộ trình thích hợp. Đồng thời phải huy động được mọi nguồn lực, việc bố trí nguồn vốn, ban hành các cơ chế, chính sách phải kịp thời, phù hợp, bảo đảm tiến độ triển khai.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương, Bộ đã triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và coi đây là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ đã chỉ đạo.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Bộ sẽ tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành VHTT&DL, tạo sự kết nối với các dữ liệu khác, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số, công tác quản trị, điều hành và hoạch định chính sách trong thời gian tới.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-van-hoa-du-lich-trong-ky-nguyen-so.html