Phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới

Hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua đã ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ văn nghệ sĩ khi có nhiều tác giả sáng tác những tác phẩm sống được trong lòng công chúng. Bước vào thời kỳ vươn mình của dân tộc, hoạt động VHNT cũng cần có sự chuyển biến tích cực hơn để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển VHNT.

Tích cực lao động nghệ thuật

Tác phẩm VHNT có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và tác động trực tiếp đến nhận thức, quan điểm, tư tưởng, tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ của mỗi người. Vậy nên, sáng tác VHNT qua các thời kỳ lịch sử khác nhau vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Hoạt động sáng tác VHNT ở xứ Trầm Hương cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy và đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp chung của tỉnh. Theo họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ là hội viên Hội VHNT tỉnh có gần 400 người, sinh hoạt tại 7 chi hội chuyên ngành gồm: Văn học; mỹ thuật; nhiếp ảnh, âm nhạc; sân khấu; văn nghệ dân gian; múa. Trong đó, có hơn 130 hội viên của các hội chuyên ngành Trung ương; 8 hội viên đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT; 4 hội viên là nghệ sĩ nhân dân, 14 hội viên là nghệ sĩ ưu tú.

Công chúng xem tác phẩm được giới thiệu tại Triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh “Khánh Hòa chào năm mới 2025”.

Công chúng xem tác phẩm được giới thiệu tại Triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh “Khánh Hòa chào năm mới 2025”.

Không chỉ đông đảo về số lượng hội viên, lực lượng sáng tác VHNT ở Khánh Hòa còn được đánh giá cao bởi tài năng, phong cách, cá tính. Những tác phẩm đi cùng năm tháng của văn nghệ sĩ xứ Trầm có thể kể đến như: Ca khúc “Gần lắm Trường Sa”, “Vầng trăng nơi đảo xa” của nhạc sĩ Hình Phước Long; kịch bản tuồng “Huyền thoại Mẹ xứ sở” của nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức; ca khúc “Đắkrông mùa xuân về” của cố nhạc sĩ Tố Hải… Gần đây, có những tác phẩm đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng như: Ca khúc “Đêm mơ thành chim yến”, “Quê ta biển yến non trầm”, “Lên tháp cầu an”, “Chiều nghiêng tháp cổ” của nhạc sĩ Hình Phước Liên; “Đảo Nam Yết anh hùng”, “Nha Trang biển hẹn”, “Hang Heo - Vũng Điệp” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Ngọc Hoàng; truyện ký “Nắng Cam Ranh” của tác giả Lê Nguyên Đông; tác phẩm “Văn hóa dân gian biển đảo Khánh Hòa - Những góc nhìn”, “Nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực vùng đất Khánh Hòa” của tác giả Ngô Văn Ban; tác phẩm “Đảo chìm đảo nổi” của nhà điêu khắc Bùi Trung Chính…

Trong lao động sáng tạo nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ Khánh Hòa còn phát huy được tinh thần đoàn kết, tình cảm, trách nhiệm đối với quê hương xứ Trầm, biển yến, đưa đến cho công chúng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, nhân văn, cũng như nét đẹp đất nước, con người Việt Nam. Từ đó, góp phần lan tỏa, truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo những giá trị văn hóa mới để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của công chúng yêu VHNT.

Khuyến khích đổi mới sáng tạo

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng, phát triển VHNT được xem là vai trò, sứ mệnh, nền tảng tinh thần của xã hội, nhu cầu thiết yếu của người dân. Để hiện thực hóa chủ trương trên, UBND tỉnh đã đưa ra 7 nhóm giải pháp, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị đối với công tác VHNT; phát huy hơn nữa vai trò của công tác thông tin tuyên truyền, các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; tăng cường nguồn lực xây dựng, phát triển VHNT; nâng cao chất lượng nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT, hoạt động của Hội VHNT, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa trong công tác tổ chức triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về VHNT; thực hiện tốt công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, quản lý trong lĩnh vực VHNT của địa phương.

Công chúng xem Triển lãm Mỹ thuật khu vực V - Nam miền Trung và Tây Nguyên năm 2024 được tổ chức tại TP. Nha Trang.

Công chúng xem Triển lãm Mỹ thuật khu vực V - Nam miền Trung và Tây Nguyên năm 2024 được tổ chức tại TP. Nha Trang.

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng, phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Trên cơ sở những quy định của Trung ương, sở sẽ tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù phù hợp với điều kiện của tỉnh để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cùng với đó, đơn vị cũng sẽ kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác trong lĩnh vực VHNT; rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung các văn bản quản lý về hoạt động VHNT phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hội VHNT tỉnh cũng phải từng bước đổi mới phương thức hoạt động, khuyến khích hội viên tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả; tập hợp và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo tính đa dạng trong sáng tác; đổi mới phương thức phổ biến tác phẩm theo hướng tăng cường sự giao lưu, tương tác giữa tác giả với công chúng…

Có thể thấy, để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển VHNT trong thời kỳ mới, đòi hỏi lực lượng văn nghệ sĩ Khánh Hòa cần có sự vươn mình tích cực trong tư duy sáng tác. Mỗi văn nghệ sĩ cần có sự nhạy bén để phát huy tài năng của bản thân, sáng tác nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được công chúng đón nhận. Từ góc nhìn của công chúng yêu VHNT, chúng ta đang chờ đợi những tác phẩm ghi được dấu ấn sâu sắc như những tác giả thế hệ trước đã làm được.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202502/phat-trien-van-hoc-nghe-thuat-trong-thoi-ky-moi-4ce42f9/