Phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí

Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành GTVT Thái Nguyên đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về chính sách và thể chế vận tải; phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics...

Đó là mục tiêu được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đề ra trong kế hoạch về phát triển vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Việc thực hiện tốt kế hoạch này nhằm thúc đẩy vận tải trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Dự án tuyến đường liên kết vùng hoàn thành sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực.

Dự án tuyến đường liên kết vùng hoàn thành sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành GTVT Thái Nguyên đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về chính sách và thể chế vận tải; phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội vận tải ô tô; nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về vận tải.

Để hoàn thiện hạ tầng vận tải, năm 2024, Sở GTVT tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như: Đường vành đai V đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên; hoàn thành các tuyến đường kết nối với đường vành đai V, tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, tuyến đường 261 kết nối các khu du lịch sườn Đông Tam Đảo, hồ Núi Cốc; đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 tỉnh Thái Nguyên…

Thường xuyên rà soát, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt sửa đổi, bổ sung doanh mục tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt, tuyến cố định nội tỉnh, các điểm dừng đón trả khách tuyến cố định. Phê duyệt biểu đồ chạy xe các tuyến xe buýt, tuyến cố định nội tỉnh theo quy định. Đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT điều chỉnh, bổ sung danh mục tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh toàn quốc từ Thái Nguyên đi các tỉnh, thành phố và ngược lại.

Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác bến xe khách, kiểm soát tải trọng xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp; đồng thời, góp phần phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định; 27 đơn vị vận tải taxi; 5 đơn vị vận tải xe buýt; trên 400 đơn vị và hộ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch; trên 1.000 đơn vị vận tải hàng hóa được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202402/phat-trien-van-tai-theo-huong-hien-dai-dong-bo-giam-chi-phi-d130c99/