Phát triển vận tải xe buýt: Không thể bằng mệnh lệnh hành chính!
Vận tải xe buýt ở 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM vẫn ì ạch. Dù được trợ giá nhưng doanh nghiệp vẫn kêu lỗ còn phần lớn người dân lại chưa mặn mà với xe buýt.
Nhiều năm làm nghề lái “xe ôm” trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, anh Nguyễn Minh Thông đã quá quen thuộc với hình ảnh những chuyến xe buýt chạy tuyến Mỹ Đình giờ tan tầm cũng chỉ lưa thưa vài hành khách.
Anh Nguyễn Minh Thông chia sẻ: "Xe thường xuyên vắng khách, rất phí mà không hiệu quả. Nếu như cách đây mươi mười lăm năm, người đi xe buýt không có nhiều lựa chọn, buộc phải chen chúc trong những chiếc xe cũ kỹ, xả khói mù trời, thì nay tình hình đã có nhiều đổi khác. Yêu cầu đầu tiên với hành khách vào thời điểm này chính là sự thuận tiện, không phải đi quá xa để đến bến, không phải chờ đợi lâu, không phải chen chúc, chật chội. Kế đến là yếu tố an toàn, trật tự và văn minh xe buýt".
Sau nhiều năm thăng trầm của xe buýt, tới giờ, không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp vận tải đã nhận ra giá vé rẻ không còn là một lợi thế. Việc hãng vận tải Bắc Hà đề nghị xin bỏ khai thác 5 tuyến xe buýt do…hết tiền cuối tháng 7 vừa qua như hồi chuông cảnh báo cung cách trợ giá xe buýt đã không còn phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam nêu ý kiến: Giá vé xe buýt nội đô 6.000-7.000 đồng nhưng cung cách chậm đổi mới, để hành khách đợi lâu, thái độ phục vụ không tốt thì chưa chắc hành khách đã thích, trong khi giá vé 15.000 đồng nhưng xe chạy văn minh, đúng giờ, chất lượng phục vụ tốt lại chưa hẳn đã là đắt. Hãy cứ làm tốt trước, lời lãi thu về sau khi hành khách đi đông lên …là kinh nghiệm mà một vài doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực vận tải xe buýt gần đây chia sẻ.
Vị chuyên gia này dẫn chứng từ chính cách làm của công ty Phương Trang, một doanh nghiệp vận tải vốn rất thành công ở thị trường phía Nam, đang có dự kiến mở rộng ra khu vực phía Bắc: "Tầm hoạt động của Phương Trang rất lớn, do vậy họ hòa chung vào tổng thể kinh doanh của mình để đưa ra những hình thức vận tải rất mới, rất hiện đại và chấp nhận lấy chỗ này bù chỗ kia nhưng hình thức vận tải rất tốt, rất đáng khen. Quan điểm của tôi là phải đấu thầu công khai minh bạch, và khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra các dịch vụ cao cấp, người dân sẽ được hưởng cái này và chính người dân chọn lựa, sàng lọc những doanh nghiệp làm ăn không đứng đắn. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có biện pháp để xử lý".
Cuối tháng 6 vừa qua, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã phát động phong trào công chức, viên chức đi làm bằng xe buýt. Động thái này được cho là góp phần “kích cầu” cho loại hình vận tải công cộng này. Tuy nhiên, với nhiều người, kiểu làm “phong trào” có tính hình thức này không mang tính bền vững bởi chất lượng và cung cách quản lý của các hãng vận tải mới quyết định tính cạnh tranh của xe buýt.
Ông Đào Ngọc Ánh, Tổng giám đốc công ty vận tải Phương Trang nêu ý kiến: "Thứ nhất, phải thực hiện nhiều giải pháp kết hợp, trong đó cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư phương tiện, chất lượng lái xe… làm sao cho người dân thấy được hiệu quả của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng hơn phương tiện cá nhân.Thứ hai, phải giảm thời gian chờ giữa các tuyến, giữa các khung giờ. Có thể có những cán bộ ngồi phòng lạnh, ngồi chờ 5 phút đến 30 phút rất bình thường. Nhưng người dân sử dụng dịch vụ, phải đứng trời mưa, trời nắng… sẽ làm cho họ giảm sử dụng dịch vụ xe buýt này".
Chia sẻ quan điểm: Phải đổi mới từ nguồn cung, từ đó sẽ tác động tới cầu đi xe buýt, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện của Quốc hội cho rằng: Áp dụng các biện pháp hành chính để kích cầu xe buýt mà chất lượng phục vụ không tốt, đầu tư không tới tầm thì hiệu quả chắc chắn sẽ không cao:
"Nếu chúng ta sử dụng các biện pháp như ủng hộ cái này, hạn chế cái kia bằng biện pháp hành chính thì không còn phù hợp nữa. Hoặc ít nhất phạm vi phải hẹp hơn, chứ không thể đối với các dịch vụ kiểu này. Và đương nhiên là nó trái với nguyên tắc thị trường. Đây là vấn đề có thể nhìn rõ", TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Không có mẫu số chung cho tất cả các tỉnh thành trong phát triển vận tải xe buýt, rõ ràng, loại hình vận tải này đang cần những nghiên cứu một cách tổng thể nhu cầu đi lại của từng địa phương gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội và xây dựng của từng thành phố. Và chắc chắn, tương lai xe buýt không thể tách rời quy luật cung cầu, chứ không thể phụ thuộc vào mệnh lệnh hành chính!./.