Phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP
Một trong những đặc thù của sản phẩm OCOP là phải mang nét đặc trưng của địa phương, gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.
Tại huyện Gia Lâm, xã Đa Tốn từ lâu đã nổi tiếng với truyền thống trồng rau xanh. Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, từ năm 2018, bà Dương Thị Thuấn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn đã vận động 12 thành viên thành lập hợp tác xã, xây dựng hệ thống nhà lưới hiện đại để trồng rau thủy canh, rau gia vị và rau hữu cơ.
Trên diện tích 1 ha, hợp tác xã bố trí 8 nhà lưới, khu sơ chế và cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Đến năm 2022, hơn 10 loại rau của hợp tác xã được đánh giá và phân hạng OCOP đạt 4 sao. Tuy nhiên, diện tích hạn chế cùng quá trình đô thị hóa đã khiến đất nông nghiệp tại Đa Tốn ngày càng thu hẹp.
Đứng trước thách thức này, từ đầu năm 2023, hợp tác xã đã mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các hộ nông dân tại Mộc Châu (tỉnh Sơn La) để trồng 3 ha rau. Nhờ vậy, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp 1,8 tấn rau xanh đạt tiêu chuẩn cao. Toàn bộ sản phẩm sau khi sơ chế và đóng gói đều được phân phối đến các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch. Nhờ giải pháp này, 12 thành viên hợp tác xã có việc làm ổn định với thu nhập khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Tại huyện Chương Mỹ - nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống, có tiềm năng lớn phát triển sản phẩm OCOP, các làng nghề mây, tre đan ở đây có nhiều lợi thế, nhưng hiện phải đối mặt với khó khăn lớn về nguyên liệu. Trước kia, nguyên liệu như mây, song được mua dễ dàng từ các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng nay nguồn cung này thiếu hụt nghiêm trọng, buộc phải nhập khẩu với chi phí cao và thiếu tính chủ động.
Trước tình trạng này, các hộ sản xuất tại Chương Mỹ đã hợp tác với đơn vị nghiên cứu để xử lý, chế biến nguyên liệu từ cây đu đủ, mướp, chuối. Nghệ nhân đã sáng tạo sản phẩm thủ công từ những nguyên liệu này, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và bước đầu được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, các làng nghề mong muốn thành phố Hà Nội hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng nhu cầu sản xuất ổn định hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện Thành phố duy trì 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 106 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Giai đoạn 2020 - 2024, Hà Nội đã hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước để xây dựng hơn 1.000 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 22 tỉnh và 211 chuỗi so với giai đoạn trước.
Hà Nội đặt mục tiêu tăng số lượng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn và OCOP xanh. Để làm được điều này, sản phẩm OCOP cần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, 100% các chuỗi cung ứng hiện tại đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, 40% các chuỗi này áp dụng tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, HACCP, ISO 22000 hoặc hữu cơ.
Thành phố cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, bao gồm vùng trồng lúa, rau, cây ăn quả, vùng chăn nuôi... Những sản phẩm đặc sản nổi tiếng như rau muống tiến vua làng Linh Chiểu (xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ), mơ Hương Tích (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), hay quýt Tích Giang (huyện Phúc Thọ) mang tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, các giống cây đặc sản này đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và khó mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa. Vì vậy, bảo vệ và phát triển các giống cây đặc sản là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm giá trị cao và thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản.
Với tiềm năng sẵn có cùng sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền các cấp, Hà Nội đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ nông sản OCOP. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp các chủ thể OCOP mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, phát triển vùng nguyên liệu gắn liền với chế biến và kết nối thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy chương trình OCOP, đồng thời nâng cao đời sống người dân nông thôn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phat-trien-vung-nguyen-lieu-cho-san-pham-ocop-d235779.html