Phát triển xanh, các đô thị đang đối mặt với những thách thức gì?

Việt Nam đang có tốc đô thị hóa nhanh chóng với 42% dân số sống tại đô thị tính đến năm 2023 và dự kiến con số này sẽ đạt 50% vào năm 2030.

Điều này làm gia tăng lượng phát thải tại các đô thị của Việt Nam, chỉ riêng lĩnh vực giao thông đã phát thải trên 50 triệu tấn CO2/năm, hơn 70% chất thải rắn đô thị chưa được xử lý.

Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại COP26. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát triển đô thị xanh, đô thị trung hòa các bon… là giải pháp giúp hạn chế phát thải ra môi trường và đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

(Ảnh minh họa: Tạp chí Cộng sản)

(Ảnh minh họa: Tạp chí Cộng sản)

Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy quá trình phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững? Phóng viên Hải Hà đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Phó giám đốc Học viện quản lý xây dựng và Đô thị bên lề Hội thảo Quốc tế về phát triển đô thị bền vững và trung hòa các-bon tại Việt Nam được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

PV: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng các đô thị Việt Nam hiện nay trong việc chuyển đổi sang loại đô thị xanh, đô thị trung vào các bon?

PGS.TS Nguyễn Vũ Phương: Hiện nay các văn bản pháp lý của Nhà nước, các Nghị quyết của Trung ương đều nhấn mạnh đến phát triển đô thị xanh thông minh bền vững. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành các kế hoạch về đô thị tăng trưởng xanh và đang xây dựng các bộ tiêu chí đô thị xanh. Chúng ta đã có các nghiên cứu và ban hành quyết định 950 về phát triển đô thị thông minh và bền vững.

Hiện nay, các địa phương cũng đã rất ý thức vấn đề chuyển đổi xanh, dần hiểu được các chiến lược, các mục tiêu cũng như những giải pháp để phát triển đô thị xanh thông minh và đã xây dựng các đề án. Tuy nhiên, để thực hiện việc này, đòi hỏi rất nhiều các vấn đề về nâng cao năng lực, đặc biệt là vấn đề về công nghệ, về đầu tư cũng như phải tích hợp trong các quy hoạch đô thị.

Mặc dù, hiện nay chúng ta chưa có khung pháp lý bắt buộc thực hiện chuyển đổi xanh, tuy nhiên, các địa phương thì cũng đã xây dựng các đề án và đã lồng ghép trong quá trình phát triển đô thị và trong các quy hoạch về các nội dung về đô thị xanh, thông minh.

Hiện nay các địa phương đã có những khởi động bước đầu và quá trình làm việc với các địa phương, tôi thấy một số đô thị đã có những sáng kiến hay về phát triển đô thị xanh.

PV: Thưa ông, thời gian tới, để có thể là thúc đẩy các đô thị có thể thực hiện chiến lược phát triển đô thị xanh đô thị bền vững thì chúng ta phải tập trung vào những nội dung nào trước mắt?

PGS.TS Nguyễn Vũ Phương: Chắc chắn để đạt điểm mục tiêu Net Zero đến năm 2050 thì chắc chắn trong đô thị chúng ta cũng phải hướng đến mục tiêu là đô thị trung hòa carbon, dần dần sẽ đạt được Net Zero.

Để đạt được mục tiêu đó cũng sẽ có các thành phần và các nội dung mà chúng ta phải cam kết thực hiện và phải có các chỉ số để chúng ta đánh giá trong từng giai đoạn.

Hiện nay chúng ta phân loại thành 5 loại đô thị. Tôi nghĩ là với mỗi một đô thị, tùy vào những nội dung, thách thức của từng đô thị thì chúng ta phải xây dựng những giải pháp riêng cho đô thị của mình.

Ví dụ như đối với Hà Nội để đạt được đô thị trung hòa các bon thì Hà Nội phải phát triển giao thông công cộng và giảm tải giao thông cá nhân. Ngoài ra, thành phố cũng cần có những biện pháp để thúc đẩy các công trình xanh, chúng ta phải có tỷ lệ bao nhiêu công trình hiện đại đạt tiêu chuẩn xanh, và nhiều nội dung khác nữa

Trong thời gian tới, các đô thị xanh, đô thị trung hòa các bon sẽ phát triển mạnh hơn nhưng với sự tham gia của các bên, bao gồm các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là người dân. Nhà nước cũng không thể dùng ngân sách để đầu tư toàn bộ cho quá trình phát triển đô thị thông minh mà phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó có người dân

PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Hà/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phat-trien-xanh-cac-do-thi-dang-doi-mat-voi-nhung-thach-thuc-gi-post1141744.vov