Phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn của Việt Nam hiện nay

Nhiệm vụ phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay của nước ta. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) mở đầu phần thảo luận tại phiên họp sáng 29-5, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV khi cho rằng, tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bởi lương không thể tăng mãi; cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân; máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng và cuối cùng là lãng phí rất lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trước khi tiến hành thảo luận sáng 29-5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trước khi tiến hành thảo luận sáng 29-5.

Hệ thống y tế cơ sở còn nhiều bất cập

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, trạm y tế xã có 2 nhiệm vụ dự phòng là tiêm chủng, phòng, chống dịch; giáo dục, tuyên truyền và điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý các bệnh mạn tính, sơ cứu, cấp cứu tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai ngày càng teo tóp, khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất trở nên khó khăn hơn so với trước đây.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) mở đầu phần thảo luận tại phiên họp sáng 29-5.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) mở đầu phần thảo luận tại phiên họp sáng 29-5.

Đặt câu hỏi làm cách nào để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị? Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ, cần nên thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của Trung tâm y tế huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau cả người bệnh và nhân viên y tế. Thay vào đó, các bác sĩ Trung tâm y tế quận, huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, số hóa ngành y tế bao gồm quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh từ xa sẽ là chìa khóa thành công cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Về tồn tại của hệ thống y tế cơ sở, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, thực tiễn công tác chống dịch Covid-19 bộc lộ nhiều bất cập như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc. Khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Người dân đến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu chiếm tỷ lệ rất thấp.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, thực tiễn công tác chống dịch Covid-19 bộc lộ nhiều bất cập.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, thực tiễn công tác chống dịch Covid-19 bộc lộ nhiều bất cập.

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng trực tiếp nhất là chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân; nguyên nhân gián tiếp phải nói đến cơ chế chính sách và đầu tư của Nhà nước. Cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, dẫn tới người dân tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. “Mặc dù, đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) phát biểu tại phiên thảo luận.

Quan tâm tới nguồn nhân lực trong y tế dự phòng, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) bày tỏ băn khoăn khi thấy nguồn nhân lực phục vụ cho y tế dự phòng chỉ đáp ứng được 42% phục vụ, trong khi đó, tỷ lệ lao động ở Việt Nam là trên 55 triệu người. Hiện tại, số làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm ngày càng tăng. Lấy dẫn chứng thực tế về vụ 8 công nhân mắc bệnh bụi phổi mới đây, đại biểu mong muốn có chính sách để không còn thấy hiện tượng trên. Đại biểu nêu rõ, y tế dự phòng là then chốt, nhưng sự nỗ lực hiện tại, y tế dự phòng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân trong tình thế hiện nay.

Đồng tình với những ý kiến trên, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở y tế dự phòng dù đã được quan tâm nhưng chưa đủ năng lực để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch. Công tác điều hành phối hợp trong công tác phòng, chống đại dịch còn bị động, lúng túng. Cơ sở vật chất và nguồn lực trong nhiều năm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa có chính sách phù hợp đối với cán bộ y tế cấp cơ sở.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận sáng 29-5.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận sáng 29-5.

Khắc phục tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc

Từ thực tiễn những bất cập trên, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để phát triển hệ thống y tế cơ sở trong thời gian tới. Nhấn mạnh, việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho rằng, cần thể chế rõ phạm vi của y tế tuyến huyện, y tế tuyến xã và y tế thôn, bản gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tuyến. Bên cạnh đó, cần quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở. Thực hiện điều động, luân phiên bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã.

Để góp phần khắc phục tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc được nhân dân và cử tri rất quan tâm trong thời gian vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị, cần quan tâm chăm lo các giải pháp để tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và phát triển bản thân đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng, tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị, Quốc hội xem xét, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề vào Điều 2 khoản 4, mục b nội dung y tế dự phòng tiếp tục tập trung hơn nữa, nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, không chỉ đơn thuần là y tế dự phòng tiếp tục tập trung các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm. Đại biểu nhấn mạnh, nếu không làm tốt công tác này thì sẽ gây ra áp lực dài hạn cho ngành y tế, an sinh xã hội, bởi gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận sáng 29-5.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận sáng 29-5.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) nhấn mạnh, không đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ nâng cao sức khỏe cho người dân. Vì thế, theo đại biểu, trước mắt cần phân bổ ngay gần 5.000 tỷ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14.000 tỷ đồng của chương trình phục hồi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo tinh thần y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1065626/phat-trien-y-te-du-phong-la-thach-thuc-lon-cua-viet-nam-hien-nay