Phẫu thuật chuyển giới để được kết hôn ở Nhật Bản
Khi luật pháp Nhật Bản chỉ công nhận hai người khác giới mới được phép trở thành vợ chồng hợp pháp, Kento Inue đã đi phẫu thuật từ nữ thành nam để có thể kết hôn với bạn gái.
Tháng 7 năm ngoái, Yumi Nagaya và bạn gái cô làm được điều mà các thế hệ cặp đôi LGBT ở Nhật Bản mơ ước. Cả hai đeo nhẫn cưới bằng bạc và được cấp giấy chứng nhận quan hệ đối tác của họ trước sự chứng kiến của một quan chức thành phố Tokyo.
Giấy chứng nhận này cho phép họ làm nhiều việc cùng nhau, chẳng hạn như thuê nhà ở chung. Nhưng Nagaya thừa hiểu rằng cả hai còn lâu mới được công nhận là vợ chồng hợp pháp.
Bên ngoài quyền hạn của chính quyền địa phương, hai người trên thực tế là những người xa lạ, chiếu theo luật pháp Nhật Bản. Nếu một trong hai phải nhập viện, người còn lại không có quyền thăm nom dưới tư cách vợ/chồng. Họ cũng không thể chia sẻ quyền làm cha mẹ cho bất kỳ đứa con chung nào.
Nhật tiếp tục cấm hôn nhân đồng giới
Ở Nhật Bản, hôn nhân đồng tính không hợp pháp. Bức xúc trước tình trạng thiếu tiến bộ, từ năm 2015, một số chính quyền địa phương đã tự cấp giấy chứng nhận cho những người đồng giới để mở rộng một số quyền lợi.
Ví dụ như thăm nom trong bệnh viện với tư cách bạn đời, được đăng ký cùng một loại bảo hiểm nhân thọ, tiếp cận với các lợi ích hợp tác cụ thể do một số công ty cung cấp, chẳng hạn như gói điện thoại di động dành cho gia đình.
Những quyền này chỉ được công nhận bởi chính quyền địa phương mà họ đã đăng ký, có nghĩa là khi nằm ngoài quyền tài phán đó, họ sẽ không còn được coi là gia đình nữa.
Các quyền này cũng không được đảm bảo. Chủ nhà, công ty và bệnh viện vẫn có thể thoải mái từ chối các đặc quyền của các cặp đồng tính mà các cặp đôi khác được hưởng vì họ không phải là vợ chồng hợp pháp.
Dù cộng đồng LGBT và các nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính ở Nhật Bản thừa nhận rằng đây là một bước tiến lớn, nhóm người này thừa hiểu rằng câu chuyện bình đẳng còn lâu mới đạt được.
Chỉ có 9/47 tỉnh triển khai hệ thống này. Mới nhất, vào tháng trước, một tòa án quận ở phía tây tỉnh Osaka đã ra phán quyết rằng cấm hôn nhân đồng giới là không vi hiến.
Tất yếu, phán quyết này gây thất vọng cho các nhà hoạt động LGBT.
Soyoka Yamamoto, một nhà hoạt động đi đầu trong việc thúc đẩy chính quyền Tokyo công nhận quan hệ đối tác đồng tính, cho biết quyết định của tòa án Osaka khiến cô đau đớn nhận ra rằng giấy chứng nhận là chưa đủ.
“Tôi luôn cảm thấy tức giận. Tôi không còn muốn kết hôn nữa vì điều đó quá xa vời”, cô nói.
Trong lòng xã hội Nhật Bản, ngày càng có nhiều sự ủng hộ đối với hôn nhân đồng giới. Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri ủng hộ các công đoàn như vậy, cho thấy sự chấp nhận ngày càng tăng đối với cộng đồng LGBT.
"Rào cản thực sự để hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là việc đảng chính trị cầm quyền do nam giới thống trị, cơ quan có quyền thông qua luật", Takashi Kazama, giáo sư về giới tính và tình dục tại Đại học Chukyo, nói.
“Tôi tin rằng chính phủ rất muốn duy trì hệ thống gia đình truyền thống, trong đó người đàn ông là chủ gia đình và người vợ là thứ yếu", ông nói thêm.
Kento Inoue, một người đàn ông chuyển giới 36 tuổi, cho biết anh rất biết ơn về giấy tờ chứng nhận, song anh tin rằng các chứng chỉ không có mấy tác dụng.
“Tôi xin lỗi vì ngôn ngữ của mình, nhưng tôi nghĩ có một số quan chức chính phủ muốn giới thiệu hệ thống này chỉ đơn giản là để khiến cộng đồng LGBT im lặng,” anh nói.
Inoue có 12 năm hoạt động vì quyền của người đồng giới. Anh từng lạc quan nghĩ rằng hôn nhân đồng tính sẽ được hợp pháp hóa. Nhưng sau phán quyết của tòa án Osaka, anh cảm thấy tuyệt vọng.
Inoue chỉ có thể lập gia đình với bạn gái lâu năm vì từng đi chuyển giới từ nữ thành nam, giúp giới tính của cả hai khác nhau trên giấy tờ và được coi là hợp pháp để kết hôn ở Nhật Bản.
“Tôi đã cắt bỏ tử cung để có thể được coi là một người đàn ông trong mắt chính phủ”, anh nói. Nghĩ lại, Inoue không hối hận về cuộc phẫu thuật, nhưng mong muốn có nhiều lựa chọn hơn cho cộng đồng LGBT.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phau-thuat-chuyen-gioi-de-duoc-ket-hon-o-nhat-ban-post1331511.html