Phẫu thuật loại bỏ dị tật bàn tay

Báo Sức khỏe&Đời sống mở chuyên mục Tư vấn thẩm mỹ nhằm giải đáp những thắc mắc của bạn đọc trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ.

Người tư vấn:Đại tá - TS.BS. Nguyễn Huy Thọ (ảnh), nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình - Bệnh viện TW Quân đội 108, Ủy viên Hội đồng Khoa học Sở Y tế Hà Nội.

Cháu trai của tôi khi mới sinh ra đã có dị tật ở tay. Một cục thịt thừa có hình dạng giống ngón tay dính vào ngón út. Bác sĩ khoa sản bảo đây là hậu quả của việc con dâu tôi bị cúm trong 3 tháng đầu thai nghén. Con dâu tôi khóc hết nước mắt, nhưng tôi an ủi cháu là có thể làm phẫu thuật loại bỏ dị tật được. Giờ cháu tôi mới gần 1 tuổi. Gia đình tôi nên đưa cháu đi khám ở đâu để có hướng điều trị, thưa bác sĩ?

(huynhlien…yahoo.com)

Tôi hiểu rõ nỗi băn khoăn của bạn về đứa cháu có dị tật ở ngón tay út. Tôi xin cung cấp thêm thông tin để bạn hiểu thêm về dị tật thừa ngón (poly dactyly): Đây là dị tật bẩm sinh ở người khi bàn tay, bàn chân có hơn 5 ngón. Các ngón thừa đa phần có xương, ít khi có khớp riêng mà thường chung với các khớp của các ngón khác. Các ngón thừa đa phần không có đủ cấu trúc của một ngón bình thường, loại có đủ cấu trúc của ngón bình thường, có khớp đốt ngón và khớp bàn tay ngón riêng biệt là rất hiếm. Tỉ lệ trẻ sơ sinh mắc phải loại dị tật thừa ngón là 1/500 trẻ, tỉ lệ này có thể cao hơn ở một số nhóm người, một số địa phương. Dị tật này có thể có yếu tố gia đình, như trường hợp bố hoặc mẹ có 6 ngón thì con cái khi sinh ra cũng có thể dị tật giống cha mẹ. Dị tật thừa ngón không ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của người làm cha làm mẹ và tới tâm lý của trẻ khi tham gia sinh hoạt cộng đồng.

Có 3 loại điều trị: Thứ nhất là bảo tồn không phẫu thuật, chỉ dành cho những người bị ngón cái tách đôi nhẹ. Thứ hai là cắt bỏ ngón thừa, nhưng phải làm phẫu thuật tạo hình phục hồi lại cấu trúc giải phẫu, chức năng thẩm mỹ, dành cho những bệnh nhân bị dị tật 6 ngón thực sự (ngón cái hình thành ngón phụ theo hình càng cua hoặc bàn chân, bàn tay có từ 6 ngón trở lên). Thứ ba là cắt bỏ đơn thuần. Trường hợp của cháu bạn có lẽ là ngón tay thừa đơn thuần, việc cắt bỏ không ảnh hưởng đến chức năng, vẻ đẹp của bàn tay. Loại không có khớp, chỉ là một ngón tay thừa dính trên phần da, là trường hợp nhẹ, phẫu thuật đem lại kết quả tốt. Bạn nên đưa cháu đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Các bác sĩ sẽ tư vấn nên phẫu thuật vào thời điểm nào cho thích hợp. Mong bạn và gia đình đừng lo lắng quá nhiều đến dị tật của cháu.

V.H.T (thực hiện)

V.H.T (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phau-thuat-loai-bo-di-tat-ban-tay-n182425.html