Phẫu thuật sọ não thành công cho bệnh nhi 2,5 tháng tuổi

Ngày 22/5, kíp mổ khoa Ngoại Thần kinh và khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp thực hiện thành công ca phẫu thuật nâng lún xương sọ não cho bệnh nhi H.N.H (2,5 tháng tuổi), trú tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa.

Bác sỹ CKI Ma Công Thanh thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật.

Bác sỹ CKI Ma Công Thanh thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật.

Gia đình bệnh nhi cho biết, bố mẹ chở bé đi xe máy, do đường cát trơn trượt nên đã bị tai nạn ngã xe. Sau ngã bé tỉnh táo, có quấy khóc, phần đầu bên trái có vết sây xát da, lõm thái dương đỉnh trái, được gia đình đưa đến Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa cấp cứu sau đó được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để điều trị.

Qua kết quả thăm khám lâm sàng và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán bện nhi bị lún sọ vùng thái dương đỉnh trái và có chỉ định mổ nâng lún sọ não.

Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang (trưởng kíp mổ cho bệnh nhân H.) cho biết: Đây cũng là một trong số những ca phẫu thuật cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật tại Bệnh viện. Bé gái mới chỉ 2,5 tháng tuổi, nặng hơn 5kg, cơ thể và não bộ còn rất non nớt, nên từ khâu gây mê hồi sức cho đến suốt quá trình thực hiện phẫu thuật, cả kíp mổ của khoa Ngoại Thần kinh và khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức đều đã phối hợp cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng thao tác kỹ thuật.

Kíp phẫu thuật cho bệnh nhi H.

Kíp phẫu thuật cho bệnh nhi H.

Trong quá trình gần 1giờ phẫu thuật, kíp mổ đã thực hiện mở hộp sọ kích thước khoảng 2cm, lấy bỏ máu tụ, nâng xương sọ bị lún và đặt dẫn lưu ngoài màng cứng cho bệnh nhi thuận lợi và thành công. Sau mổ, các chỉ số sinh tồn và sức khỏe bệnh nhi ổn định và được điều trị, theo dõi tại khoa Ngoại Thần kinh của Bệnh viện.

Bác sĩ Quang Minh cũng khuyến cáo, tình trạng lún sọ thường gặp ở trẻ nhũ nhi (trẻ dưới một tuổi). Nguyên nhân thường do tai biến khi sinh, trẻ bị ngã khi tập đứng tập đi hoặc ngã từ trên cao xuống. Vị trí thường bị lún ở hộp sọ là vùng đỉnh đầu. Phụ huynh cần quan tâm, theo dõi và chăm sóc bé an toàn để đề phòng trẻ ngã và bị chấn thương.

Đối với phần sọ não bị lún mà không xử trí đúng chỉ định thì nguy cơ ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh của bé về sau là rất cao, như động kinh, vỡ sọ tiến triển, rò dịch não tủy dưới lớp cân trên sọ (Galea)…Vì vậy, bệnh nhi được phẫu thuật nâng lún sọ não kịp thời sẽ phòng tránh các nguy cơ biến chứng về sau.

Nếu không may tai nạn xảy ra, gia đình cần theo dõi sát tình trạng ý thức của trẻ và các biểu hiện đau đầu, nôn, quấy khóc…, tuy nhiên không nên chủ quan kể cả khi trẻ chưa có triệu chứng cụ thể. Nếu nghi ngờ chấn thương sọ não cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: Thanh Yến
Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/phau-thuat-so-nao-thanh-cong-cho-benh-nhi-25-thang-tuoi-174993.html