Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?
Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ 'đi trốn', phó mặc 'sân chơi' truyền thông, mạng xã hội.
Một bộ phim đoạt giải thưởng danh giá ở một liên hoan phim quốc tế lớn, khi ra rạp thì suất chiếu thưa thớt, khán giả đìu hiu.
Một bộ phim lặng lẽ ra rạp theo đề án thí điểm bán vé đối với phim Nhà nước, bất chợt một ngày trở thành hiện tượng được khán giả trẻ săn đón nồng nhiệt, xuất phát từ những review ủng hộ trên mạng xã hội.
Các triển lãm mỹ thuật khai mạc hàng ngày, hàng tuần. Các sân khấu, các tụ điểm ca nhạc sáng đèn về đêm. Tất cả tạo nên một bầu không khí sáng tạo, sinh hoạt nghệ thuật khá sôi động phong phú, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.
Muốn tìm kiếm thông tin về bộ phim, vở kịch, triển lãm, hay show ca nhạc, chỉ cần cú nhấp chuột trên mạng Internet. Phần lớn là các tin bài có tính chất giới thiệu, truyền thông, quảng bá được các tờ báo, tài khoản mạng xã hội đăng tải. Ngay cả không có kinh phí chi cho truyền thông thì các cá nhân, đơn vị nghệ thuật có thể tự lập tài khoản mạng xã hội và chia sẻ trong vòng kết nối của họ.
Thông tin thì nhiều như vậy, song lại thiếu bài viết phân tích sâu về một tác phẩm mới ra đời, một triển lãm gây lùm xùm, một bộ phim thu hút nhiều ý kiến trái chiều, hay ở tầm khái quát hơn là những tiểu luận, công trình nghiên cứu về một xu hướng sáng tác, xu hướng thưởng thức, hay những trào lưu nghệ thuật mới du nhập…
Nói cách khác, phê bình nghệ thuật hoàn toàn vắng bóng.
“Thế chỗ” cho các nhà phê bình chuyên nghiệp là YouTuber, TikToker, Facebooker. Thậm chí có thời điểm các anh hùng bàn phím “chiếm quyền” kiểm soát, kêu gọi tẩy chay bộ phim này, bản nhạc kia, hoặc ủng hộ hết lòng bản hit này, ca sĩ kia cũng như không ngại làm tổn thương các đối thủ cạnh tranh.
Đó là thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật hiện nay, khi các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” cho báo chí và truyền thông, mạng xã hội.
Ai cũng hiểu nhà phê bình hiện nay không sống được bằng nghề. Trong khi đó, để thành nghề thì ngoài năng lực, quá trình đào tạo và tích lũy kiến thức kinh nghiệm, họ phải liên tục cập nhật đời sống nghệ thuật, độc lập trong công việc, không ngại va chạm nếu những quan điểm riêng của mình đi ngược lại số đông, hoặc ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân của ai đó.
Vậy phải chăng nguyên nhân chính để họ “buông bỏ trận địa” là do “cơm áo không đùa với khách thơ”?
Một nền văn chương nghệ thuật vắng bóng phê bình, nền văn học nghệ thuật ấy sẽ phát triển ra sao, với diện mạo thế nào? Những đóng góp của nó có được gọi tên, hay sẽ luôn trong tình trạng tự phát, thiếu đồng bộ, thiếu “quy hoạch”, dẫn đến hệ lụy về mặt văn hóa, thẩm mỹ, nhận thức thời đại.
Phê bình nghệ thuật đang ở đâu? Làm thế nào để phê bình dự phần vào đời sống nghệ thuật?
Hẳn đó vẫn là câu hỏi khó trả lời, dù đáp án thì ai cũng đã biết trước.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phe-binh-nghe-thuat-dang-o-dau-post677039.html