Phe cực hữu Israel gây lo ngại cho đối tác Arab

Động thái thân thiết hiếm hoi giữa một trong những chính trị gia gây tranh cãi nhất của Israel và một đại sứ Arab: Itamar Ben Gvir và Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Israel Mohamed Al Khaja đã siết chặt tay nhau trong lễ đón tiếp nồng nhiệt ở Tel Aviv vào đầu tháng 12/2022.

Cây bút bình luận của tờ báo thiên tả Haaretz của Israel đã viết rằng Hiệp định Abraham, theo đó Israel được 4 quốc gia Arab, bao gồm cả UAE, công nhận vào năm 2020, đã không làm thay đổi lập trường của Israel đối với người Palestine. Ở UAE, Ben Gvir là “một siêu sao”.

Cái siết tay của ông Itamar Ben Gvir với Đại sứ UAE Mohamed Al Khaja.

Cái siết tay của ông Itamar Ben Gvir với Đại sứ UAE Mohamed Al Khaja.

Hôm 29/12, chính phủ cực hữu Israel do ông Benjamin Netanyahu làm thủ tướng đã tuyên thệ nhậm chức. Chính khách cực đoan Ben Gvir, người bị lên án vì hỗ trợ khủng bố và kích động phân biệt chủng tộc chống người Arab, đã trở thành Bộ trưởng An ninh quốc gia. Còn ông Bezalel Smotrich, người ủng hộ hủy bỏ chính quyền Palestine và sáp nhập khu Bờ Tây vào Israel, thì làm bộ trưởng tài chính. Vì vậy, việc những nhân vật bị căm ghét trong thế giới Arab và gây chia rẽ trong chính Israel được chào đón nồng nhiệt là một cử chỉ rất hiếm của các quốc gia Arab đã bình thường hóa quan hệ với Israel.

Cả hai chính trị gia đều được mời tham dự lễ kỷ niệm quốc khánh UAE do UAE và Bahrain, hai quốc gia nằm trong số các quốc gia bình thường hóa quan hệ với Israel. “Chúng tôi ở đây để chứng tỏ rằng sự đoàn kết đồng nghĩa với thịnh vượng”, tờ Times of Israel trích dẫn lời ông Al Khaja phát biểu tại lễ kỷ niệm quốc khánh của đất nước mình, nơi ông chụp ảnh cùng ông Ben Gvir. “Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng kênh ngoại giao để tăng cường kết nối thông qua tình hữu nghị và sự tôn trọng lẫn nhau”.

UAE, Bahrain, Morocco và Sudan là 4 quốc gia ký kết Hiệp định Abraham công nhận Israel vào năm 2020. Trước đó, Ai Cập và Jordan lần lượt công nhận Israel vào năm 1979 và 1994. Tuy nhiên, hai quốc gia này được giới quan sát đánh giá là luôn giữ tư thế “hòa bình lạnh” với Israel.

Trong cuộc điện đàm chúc mừng ông Netanyahu trở lại làm thủ tướng, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nhấn mạnh sự cần thiết “phải tránh bất kỳ biện pháp nào có thể dẫn đến căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình khu vực”. Vua Abdullah II của Jordan đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn của CNN vào tháng 12/2022 rằng quốc gia của ông đã “chuẩn bị sẵn sàng” cho xung đột nếu tình hình thay đổi tại thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, nơi ông đang nắm quyền cai quản.

Việc Israel chuyển hướng chính trị sang cực hữu đặt các đối tác Arab mới của Israel vào một vị thế khó xử liên quan đến sự nghiệp đấu tranh của người Palestine. Đây luôn là vấn đề trung tâm của công chúng Arab. “Thật khó xử không chỉ với chúng tôi (UAE), mà còn với tất cả mọi người, ở Mỹ và khắp nơi. Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhưng để ứng phó chỉ có cách là chờ xem” - giáo sư khoa học chính trị Abdulkhaleq Abdulla ở UAE nói với kênh truyền hình CNN.

Một cuộc thăm dò dư luận của Viện Washington về chính sách Cận Đông vào tháng 7/2022 cho thấy sự ủng hộ đối với Hiệp định Abraham đã giảm ở các quốc gia Vùng Vịnh xuống mức thấp, kể cả ở UAE và Bahrain, với hơn 70% công chúng có quan điểm tiêu cực về hiệp định này. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy khoảng 40% người dân ở Saudi Arabia, UAE và Bahrain ủng hộ việc duy trì quan hệ thương mại, thể thao với Israel.

Các quốc gia bình thường hóa quan hệ với Israel dường như nhận thức được điều đó. Hôm Thứ sáu, cả 4 quốc gia Arab đều tiếp tục ủng hộ người Palestine tại Liên hợp quốc bằng cách bỏ phiếu tại Đại hội đồng để xin ý kiến của Tòa án Hình sự Quốc tế về hậu quả pháp lý của việc Israel chiếm đóng các lãnh thổ của Palestine.

Nhưng, truyền thông Israel đưa tin, phía hậu trường, UAE cũng đã gửi những thông điệp quan ngại tới ông Netanyahu về việc đưa những chính khách cực đoan vào chính phủ của ông. Tờ Times of Israel cho biết trước cuộc bầu cử ở Israel, Ngoại trưởng UAE Abdullah Bin Zayed đã cảnh báo ông Netanyahu không nên đưa hai ông Ben Gvir và Smotrich vào chính phủ của mình, nhưng ông Netanyahu đã không trả lời. Động thái này cũng được xem là một trường hợp hiếm hoi khi một trong những đối tác Arab của Israel thể hiện sự quan tâm đối với chính trị của Israel.

Nhà phân tích người Israel Zvi Bar'el đã viết trên tờ Haaretz rằng động thái chào đón ông Ben Gvir vào tháng 12/2022 có thể liên quan đến mong muốn của Abu Dhabi trong việc định hướng chính sách của Israel, đồng thời nói thêm rằng điều đó đã khiến UAE trở thành “quốc gia Arab có ảnh hưởng lớn nhất đối với chính phủ mới của Israel”. Tuy nhiên, dư luận cũng đang chờ xem chính sách ngoại giao gây ảnh hưởng đó sẽ mang lại hiệu quả đến đâu.

Chưa đầy một tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Ben Gvir đã thực hiện một chuyến thăm gây tranh cãi tới khu thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa hôm 27/12. Thánh đường Hồi giáo nằm ở Đông Jerusalem do Israel chiếm đóng, trong khu vực được người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif, còn người Do Thái gọi là Núi Đền. Đây là địa điểm linh thiêng thứ ba đối với người Hồi giáo và là nơi linh thiêng nhất đối với người Do Thái. Theo sự sắp xếp hiện tại, những người không theo đạo Hồi không được phép cầu nguyện ở thánh đường Al-Aqsa và ông Ben Gvir muốn thay đổi điều đó.

UAE “mạnh mẽ” lên án chuyến thăm của ông Ben Gvir mà không nêu đích danh ông, đồng thời kêu gọi tôn trọng quyền cai quản thánh địa của Jordan. Sau đó, họ đã cùng Trung Quốc đề xuất mở một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề này.

UAE từng tuyên bố rằng mối quan hệ thân thiện với thế giới Arab không phải là “đèn xanh” để Israel mở rộng lãnh thổ. Vào tháng 6/2020, Yousef Al Otaiba, Đại sứ UAE tại Mỹ cảnh báo Israel rằng mối quan hệ của họ với các quốc gia Arab sẽ bị ảnh hưởng nếu có bất kỳ “sự chiếm giữ bất hợp pháp nào đối với đất đai của người Palestine”.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/phe-cuc-huu-israel-gay-lo-ngai-cho-doi-tac-arab-i680473/