Phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nâng cấp tuyến đê tại Nam Định
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; bao gồm: xử lý sạt lở tại một số vị trí trên tuyến đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh...
Ngày 27/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc bộ.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; bao gồm: xử lý sạt lở tại một số vị trí trên tuyến đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh (Nam Định); xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 0,3km và làm mới hệ thống 10 mỏ hàn chữ T đối với tuyến đê biển Cồn Tròn (huyện Hải Hậu); xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 1,3km, làm mới hệ thống 4 mỏ hàn chữ T và sửa chữa, nâng cấp cánh kè mỏ hàn của 5 kè mỏ hàn cũ tại tuyến đê biển Hải Thịnh II; xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 0,2km và làm mới 3 mỏ hàn chữ T, tại tuyến đê biển Hải Thịnh III; xây dựng tuyến kè dài khoảng 1,8km thay thế kè cũ đã bị hư hỏng hoàn toàn, xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 0,8km và làm mới hệ thống 12 mỏ hàn chữ T đối với kè Thịnh Long.
Trước đó, cơn bão số 10 năm 2017, mặc dù, không ảnh hưởng trực tiếp vào tỉnh Nam Định, nhưng triều cường dâng cao kết hợp cùng gió lớn khiến một số đoạn đê biển thuộc xã Hải Hòa, đê kè biển Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu (Nam Định) bị sạt lở rất nặng. Ngay sau khi sự cố xảy ra, lực lượng chức năng huyện Hải Hậu và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Nam Định đã huy động lực lượng dùng bao đất gia cố những vị trí bị sạt lở, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; đồng thời, tập trung gia cố các vị trí đê bối bị nước tràn qua thân đê.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, do thiếu kinh phí nên một số đoạn đê biển vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp. Mùa mưa bão sắp đến, các ngành chức năng cần nhanh chóng sửa chữa để bảo đảm an toàn tính mạng, hoa màu, thủy sản của người dân vùng ven biển.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam cho biết, tỉnh Nam Định có hơn 660 km đê; trong đó, 365 km đê cấp 1 đến cấp 3 gồm 91 km đê biển; 274 km đê sông và 298 km đê dưới cấp 3, do ảnh hưởng của mưa bão, một số đoạn đê trên địa bàn đang bị xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng phòng chống thiên tai. Do nguồn kinh phí có hạn, nhiều đoạn bị ảnh hưởng đến nay vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp.
Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương đầu tư Dự án củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở sẽ giúp các tuyến đê biển của tỉnh gia tăng khả năng chống chịu với bão gió khi bão về tỉnh, đảm bảo an toàn tính mạng, hoa màu của người dân vùng ven biển./.