Phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành Dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2023
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Quyết định phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành Dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 - 2023.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, ngành Dâu tằm tơ của tỉnh có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhiều hộ nông dân và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm của tỉnh đã khôi phục và có chiều hướng phát triển nhanh về diện tích dâu, sản lượng kén tằm, tơ lụa. Chất lượng kén tằm nguyên liệu được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu câu ươm tơ chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Hiệu quả sản xuất ngành Dâu tằm mang lại cho người dân thu nhập cao hơn so với sản xuất một số cây trồng, vật nuôi khác, bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi.
Thống kê cho thấy trên địa bàn tỉnh có trên 6.770 ha dâu, chiếm 67% diện tích dâu cả nước (số liệu cuối năm 2018), sản lượng lá dâu đạt 124.660 tấn, các giống dâu lai mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào thay thế ở các vùng đất có điều kiện thích hợp thay các giống cũ; sản lượng kén đạt khoảng 8.904 tấn, sản lượng tơ đạt 1.187 tấn. Toàn tỉnh có trên 14.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, khoảng 10 đơn vị nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc (trên 90%) về cung ứng cho trên 100 hộ nuôi tằm con tập trung, 150 cơ sở thu mua kén tằm, 22 cơ sở ươm tơ, dệt lụa. Công nghệ sản xuất chế biến tơ lụa của Lâm Đồng đã được đầu tư rất cơ bản, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao với 40 dãy ươm tơ tự động, 400 mối/dãy và đang lắp đặt thêm 10 dãy…
Đối tượng của Đề án trên là các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình có điều kiện phát triển trồng dâu nuôi tằm. Phạm vi của Đề án trên địa bàn 11 huyện và thành phố (bao gồm: Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm, Dạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc).
Với đà phát triển của ngành Dâu tằm tơ, Lâm Đồng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2023 diện tích trồng dâu tằm toàn tỉnh đạt 9.500-10.000 ha. Trong đó, diện tích sử dụng giống dâu mới, dâu lai đạt 8.100 - 8.500 ha, diện tích trồng dâu ứng dụng công nghệ cao đạt 1.900 - 2.000 ha; sản lượng lá dâu đạt 200.000 - 210.000 tấn; cung cấp đủ giống tằm đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất. Trong đó, giống sản xuất trong nước đạt ít nhất 30%; sản lượng kén tằm đạt 14.000-14.500 tấn, sản lượng tơ tằm đạt 1.800-1.900 tấn. Đặc biệt là hình thành ít nhất 03 liên kết liên huyện về tổ chức sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phấm kén tằm, tơ lụa.