Phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Tại Đề án, Chính phủ đã đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp, trong đó phải hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để phát triển hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại, an toàn và hiệu quả trong giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tư pháp, và các bộ ngành liên quan để rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán tại các văn bản Luật hiện hành (như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản Luật khác có liên quan).

Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV năm 2021.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lí của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lí, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân...

Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lí là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Xuất phát từ thực tiễn phát triển của Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam và thông lệ quản lý lĩnh vực Fintech trên thế giới, trước mắt việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam thông qua ban hành Nghị định là hết sức cấp bách và cần thiết, đặc biệt trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển “Chính phủ và nền kinh tế số” trong kỷ nguyên mới của cuộc CMCN lần thứ 4.

Chính phủ cũng giao Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Kỷ nguyên tiền kỹ thuật số (tiền điện tử, tiền ảo) ở nước ta chính thức bắt đầu.

Bảo Linh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phe-duyet-de-an-phat-trien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tai-viet-nam-20211030140454302.htm