Phê duyệt khung chính sách tái định cư dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh

Ngày 6/5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công văn số 402/TTg-CN phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Cao Bằng và UBND tỉnh Lạng Sơn chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.

Dự án được kỳ vọng sẽ nối thông đường cao tốc từ Hà Nội lên các tỉnh biên giới phía bắc, tạo động lực khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực này, đặc biệt về kinh tế cửa khẩu.

Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh là dự án trọng điểm của tỉnh Cao Bằng thuộc nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo hình thức PPP. Quy mô dự án giai đoạn hoàn thiện 4 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường 17m, phần tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012. Điểm đầu dự án tại nút giao tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam thuộc địa phận huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), điểm cuối tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh, Cao Bằng).

Mức đầu tư giai đoạn 1 (2021-2025) của dự án hơn 13 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước 6.580 tỷ đồng (ngân sách địa phương gần 4.100 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư là 1.230 tỷ đồng và phần vốn huy động khác 5.371 tỷ đồng. Dự án thực hiện tại khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, hướng tuyến trải dài với nhiều hạng mục hầm, cầu lớn. Nhu cầu vốn của dự án riêng trong giai đoạn đầu đã lên đến hơn 13 nghìn tỷ đồng là thách thức rất lớn, trong bối cảnh huy động vốn xã hội hóa cho hạ tầng giao thông đang gặp nhiều khó khăn.

Cuối tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng và liên danh các nhà đầu tư Đèo Cả, Phú Mỹ, Thành Lợi và Văn Phú-Invest đã ký thỏa thuận cam kết hợp tác đầu tư dự án. Theo đó, ngoài phần vốn ngân sách nhà nước và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, đối với phần vốn còn lại, nhà đầu tư sẽ huy động bằng hình thức vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh,... Liên danh nhà đầu tư cam kết tham gia phần vốn hợp tác đầu tư là 2.685 tỷ đồng và sẽ cùng UBND tỉnh Cao Bằng huy động khoảng 2.685 tỷ đồng vốn tín dụng cho dự án. Với những cam kết này, phương án tài chính của dự án được đánh giá là khả thi để triển khai thực hiện.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, tuyến đường này là dự án xương sống, có tính chất khơi thông điểm nghẽn, giúp mở rộng không gian phát triển còn nhiều tiềm năng của tỉnh Cao Bằng. Tỉnh Cao Bằng đã thể hiện quyết tâm, trách nhiệm tham gia của chính quyền địa phương trong việc tổ chức triển khai dự án từ bố trí quỹ đất đối ứng, giải phóng mặt bằng... và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để liên danh nhà đầu tư tham gia đầu tư đường cao tốc cùng các dự án liên quan trên địa bàn tỉnh.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, khi thực hiện dự án này đã có rất nhiều sáng kiến từ các nhà đầu tư. Sự quyết tâm của các nhà đầu tư là có cơ sở, cách kết nối thông minh, chia nhỏ rủi ro nhưng cộng nhiều lợi ích được thụ hưởng trong tương lai cho các doanh nghiệp biết kết nối hạ tầng giao thông với dư địa phát triển bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, cửa khẩu... Dự án không chỉ tạo dựng một con đường mà còn mang tới cả tầm nhìn chiến lược về cách làm, biện pháp huy động vốn của mô hình PPP.

TRANG LY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/phe-duyet-khung-chinh-sach-tai-dinh-cu-du-an-cao-toc-dong-dang-tra-linh-696106/