Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định (2021-2030), tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 29/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền của tỉnh với diện tích tự nhiên 1.668,8km2; 10 huyện, thành phố (Nam Định, Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu) và phần không gian biển được xác định theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là: Tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, đô thị và nông thôn; thúc đẩy phát triển khu vực biển, ven biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong đó, định hướng công nghiệp xanh; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu là trọng tâm; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng. Xây dựng hệ thống đô thị và các khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), cả nước và khu vực. Phát triển bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2030 Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam ĐBSH.
Đến năm 2050, phát triển Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng ĐBSH, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng, cả nước và khu vực. Xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. An ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Nam Định sẽ tập trung phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực; phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên toàn tỉnh để tạo điều kiện thu hút đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và khu vực đô thị, nông thôn. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nhân lực chất lượng cao; giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, các giá trị truyền thống lâu đời của Nam Định. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và người dân, nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền hành chính hiện đại.
Phát triển 8 nhóm ngành kinh tế - xã hội quan trọng gồm: nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp; các ngành du lịch, thương mại, dịch vụ; kinh tế biển; giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; y tế, chăm sóc sức khỏe; văn hóa - thể dục thể thao; khoa học công nghệ; lao động việc làm, an sinh xã hội; an ninh quốc phòng.
Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình tổ chức không gian “3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế” nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, bổ sung cho nhau cùng phát triển. Trong đó, 3 vùng kinh tế động lực gồm: Vùng đô thị thành phố Nam Định mở rộng; Vùng nông nghiệp - nông thôn (huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); Vùng kinh tế biển (huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường). 4 trung tâm đô thị động lực gồm: Đô thị trung tâm với thành phố Nam Định mở rộng là hạt nhân và các đô thị đối trọng, vệ tinh (thị trấn Nam Giang và đô thị Cao Bồ); Trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông (thị trấn Rạng Đông, thị trấn Quỹ Nhất, thị trấn Thịnh Long và Khu kinh tế Ninh Cơ); Trung tâm đô thị Cao Bồ (gồm thị trấn Lâm, đô thị 4 xã và thị trấn Bo thuộc huyện Ý Yên); Trung tâm đô thị Giao Thủy (thị trấn Quất Lâm, thị trấn Giao Thủy, đô thị Đại Đồng). 5 hành lang kinh tế gồm: Hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ); hành lang Cao tốc Bắc - Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông); hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy); hành lang Quốc lộ 21 (thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy); hành lang cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng).
Trong phương án phát triển 9 khu chức năng, Quy hoạch tỉnh xác định: Tập trung phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ quy mô khoảng 13.950ha nằm trên địa bàn 2 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu thành khu trung tâm kinh tế biển phát triển, có cảng biển tổng hợp và cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ chủ quyền và an ninh; tạo động lực thúc đẩy mang tính đột phá của tỉnh Nam Định. Giai đoạn sau năm 2030 nghiên cứu phát triển Khu Kinh tế Ninh Cơ hướng ra biển (lấn biển) trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh là cơ sở quan trọng để Nam Định tiếp tục triển khai các định hướng, chiến lược phát triển trong thời gian tới, hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cả vùng đồng bằng sông Hồng theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.