Phi công đẳng cấp ACE Không quân Việt Nam: Hạ 'con ma' Mỹ đầu tiên trong 12 ngày đêm 1972

Cay cú, bọn F-4 Mỹ cậy đông đuổi theo truy sát MiG-21. Các cỡ pháo cao xạ đồng loạt khai hỏa, yểm hộ cho máy bay ta hạ cánh an toàn.

LTS: Trong 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", cùng với các lực lượng tên lửa, pháo cao xạ, Không quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công xuất sắc, bắn hạ 2 "pháo đài bay" B-52 của Mỹ. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh về trận đụng đầu lịch sử này chưa được công chúng biết đến.

Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài "Không quân Việt Nam trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" của nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường - nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN - về những trận không chiến bảo vệ bầu trời miền Bắc tháng 12/1972.

---------------

Kỳ 1. Thắng không kiêu, bại không nản, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến thắng

Kỳ 2. Những chuyến bay cảm tử trong đêm

Kỳ 3. Phi công lập công đầu trong Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Kiên quyết cất cánh, lập công đầu diệt máy bay Mỹ

Do xác định đối thủ chính của máy bay B-52 là máy bay MiG-21, nên để dọn đường cho chiến dịch ném bom rải thảm hủy diệt, Mỹ đã liên tục đánh phá ác liệt 24/24 giờ các sân bay, các trạm radar dẫn đường, và các trận địa phòng không của ta.

Ngày 18/12/972 Mỹ đã huy động nhiều tốp máy bay F-111 "cánh cụp cánh xòe" cùng một lúc đánh phá rất ác liệt hệ thống các sân bay: Đa Phúc, Yên Bái, Kép, Hòa Lạc, Kiến An, Gia Lâm …với ý đồ không cho máy bay của ta cất cánh, hạ cánh.

Tác giả - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường - Nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN

Tác giả - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường - Nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN

Các máy bay tiêm kích của ta sơ tán ra các khu vực quanh sân bay và cơ động đến các sân bay dã chiến. Từ các sân bay khác nhau, máy bay của ta liên tục cất cánh ngày đêm.

Tuy gặp phải sự chống trả quyết liệt của máy bay tiêm kích Mỹ nhưng những chiếc MiG vẫn bay lên phá vỡ đội hình máy bay Mỹ, phá tan ý đồ ném bom rải thảm dã man của B-52, tạo điều kiện cho các lực lượng phòng không của ta "làm bàn" tiêu diệt.

Việc tìm hiểu các quy luật hoạt động của máy bay B-52, cách đánh B-52 đã được tiến hành nghiên cứu từ trước đó rất lâu, nhưng khi những loạt bom đầu tiên do máy bay B-52 Mỹ thả xuống Hà Nội, cán bộ chiến sĩ KQNDVN đã phải trải qua một cảm giác hết sức nặng nề; nhiều người có gia đình, người thân ở ngay trong vùng máy bay B-52 rải thảm.

Nhưng "Lúc này không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà thân yêu của mình"- như lá thư viết dở dang của Phi công Vũ Xuân Thiều gửi người thân.

Đã 5 ngày trôi qua trong chiến dịch 12 ngày đêm, cuộc chiến đấu ở cả trên không và mặt đất càng trở nên ác liệt và căng thẳng, cường độ xuất kích ngày càng tăng mạnh. Máy bay Mỹ cũng bị chúng ta đánh cho những trận tơi bời, nhừ tử; pháo cao xạ, tên lửa và súng máy của dân quân tự vệ đã liên tiếp bắn rơi máy bay Mỹ.

Cho đến thời điểm này tiêm kích của KQNDVN đã xuất kích nhiều lần nhưng vẫn chưa bắn rơi được chiếc máy bay nào. Các phi công rất nóng lòng, ý chí sục sôi, mong muốn lập công giành chiến thắng trong các trận đánh tiếp theo.

Ngày 23/12/1972, bước sang ngày thứ 6 của chiến dịch 12 ngày đêm, tiêm kích của KQNDVN đã sẵn sàng xuất kích. Theo tin tình báo, Mỹ tiếp tục sử dụng máy bay đánh phá các sân bay và các mục tiêu xung quanh Hà Nội.

Thượng tướng Đào Đình Luyện - Nguyên Tư lệnh Không quân thời điểm năm 1972

Thượng tướng Đào Đình Luyện - Nguyên Tư lệnh Không quân thời điểm năm 1972

Tại Sở Chỉ huy Binh chủng Không quân: Tư lệnh Đào Đình Luyện trực chỉ huy, Sĩ quan dẫn đường Lê Thành Chơn dẫn tại bàn tiêu đồ chịu trách nhiệm dẫn chính.

Tại Trung đoàn Không quân 921: Phó trung đoàn trưởng Đinh Tôn trực chỉ huy, Sĩ quan dẫn đường Tạ Quốc Hưng dẫn tại Sở Chỉ huy; dẫn trên màn hiện sóng là Đào Văn Thành.

Tại trung đoàn Không quân 927: Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị trực chỉ huy, Sĩ quan dẫn đường Vũ Đức Bình dẫn tại Sở Chỉ huy.

Trưa ngày 23/12/1972, máy bay Mỹ bay từ hướng Tây Nam vào Hà Nội. Tại Sở Chỉ huy Binh chủng Không quân, Tư lệnh Đào Đình Luyện quyết định sử dụng MiG-21 của hai trung đoàn 921 và 927 đánh ban ngày.

13h34, phi công Trần Sang (Trung đoàn Không quân 921) cất cánh từ sân bay Kép, với nhiệm vụ nghi binh, nhử mồi được Sĩ quan dẫn đường Tạ Quốc Hưng dẫn lên Phú Lương, sau đấy cho hướng bay 270⁰ ở độ cao 8.000m với tốc độ 900km/h.

Khi bay qua Phú Lương 30km, radar phát hiện tốp máy bay địch bay từ Phú Thọ bay lên Sơn Dương, trực chỉ huy Đinh Tôn xin phép Sở Chỉ huy Binh chủng cho Trần Sang vào đánh.

Một mình Trần Sang không chiến rất quyết liệt với 12 chiếc F-4, nhưng không có kết quả gì. Đến 13h53 Sở Chỉ huy buộc phải cho anh thoát ly, dẫn về sân bay Kép hạ cánh.

Lúc 13h40, biên đội Nguyễn Văn Nghĩa - Lê Văn Kiền được lệnh mở máy cất cánh từ sân bay Đa Phúc. Sở Chỉ huy cho Biên đội hướng bay 200⁰ xuyên lên trên mây, nhanh chóng lấy độ cao.

Sở Chỉ huy dẫn Biên đội về phía Phủ Lý vòng tránh khá xa đội hình tiêm kích Mỹ, từ đây đánh thọc sườn đội hình máy bay cường kích mang bom bay từ Tây Sầm Tơ vào Suối Rút.

Lúc 13h47 phút Biên đội bay đến Phủ Lý, được lệnh vòng phải bay hướng 270⁰ ở độ cao 8.000m, tốc độ 1200km/h.

Sở Chỉ huy liên tục thông báo mục tiêu cho Biên đội. Lúc 13h51, Biên đội Nghĩa - Kiền phát hiện được mục tiêu, lập tức vứt thùng dầu phụ, bật tăng lực, tiếp cận máy bay địch.

Chính cú thọc sườn này đã làm cho máy bay cường kích Mỹ phải ném bom vội vã ngoài mục tiêu để tháo chạy, nhưng biên đội MiG-21 lại bị đội hình tiêm kích Mỹ vây chặt. Không còn sự lựa chọn nào khác, Biên đội Nghĩa - Kiền phải đánh nhau với máy bay tiêm kích Mỹ.

Bọn chúng rất đông và vây chặt xung quanh, các anh phải cơ động liên tục, máy bay liên tiếp bị tiêm kích Mỹ bắn, tên lửa nổ gần, chấn động.

Bọn Mỹ cậy số đông muốn bắt MiG-21 phải sa vào đánh quần nhau với chúng, buộc chúng ta bị động né tránh tên lửa, đến khi mệt mỏi lơi lỏng tay lái sẽ bị bắn rơi. Biên đội vẫn giữ vững đội hình bảo vệ cho nhau mặc dù đã thấm mệt.

Phi công AHLLVTND Nguyễn Văn Nghĩa - Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp

Phi công AHLLVTND Nguyễn Văn Nghĩa - Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp

Đúng lúc này, Số 1 Nghĩa đã chiếm lĩnh vị trí có lợi phía bán cầu sau của đối phương. Rất quyết đoán, Nguyễn Văn Nghĩa ngắm vào đội hình 4 máy bay địch, đưa một chiếc F-4 vào vòng ngắm, anh ấn nút phóng một quả tên lửa rất kịp thời, chiếc máy bay Mỹ định cơ động nhưng quả tên lửa của anh đã chui vào động cơ chiếc F-4, nổ tung.

Nghĩa kéo cao rồi vòng gấp trở lại, anh phát hiện phía dưới cánh máy bay có một chiếc F-4 bay từ phải qua trái. Phi công Nguyễn Văn Nghĩa giữ nguyên tăng lực chiếm lĩnh bán cầu sau và áp sát mục tiêu.

Đến cự ly 1.000m anh phóng tên lửa và kéo cao thoát ly. Lúc này anh gọi Số 2. Lê Văn Kiền trả lời; "Nghe tốt". Biên đội được lệnh thoát ly.

Do cay cú, cậy thế đông, bọn tiêm kích Mỹ không tháo chạy và rút lui như mọi khi, tất cả những chiếc F-4 còn lại lao về hướng các sân bay của ta để ngăn chặn biên đội MiG-21 rút lui.

Điều này đã được Tư lệnh Không quân dự kiến từ trước. Không quân đã yêu cầu pháo cao xạ, các hỏa lực phòng không ... đồng loạt bắn chi viện cho biên đội hạ cánh.

Phi công Lê Văn Kiền vừa hạ cánh an toàn xuống sân bay Gia Lâm thì sân bay bị dội bom ác liệt.

Đường băng sân bay Đa Phúc cũng bị đánh hư hỏng nặng, Nguyễn Văn Nghĩa được lệnh từ Sở Chỉ huy cho phép nhảy dù, nhưng anh vẫn quyết tâm xin phép hạ cánh trên đường lăn sân bay Nội Bài.

Đường lăn chỉ còn 1.000m, việc hạ cánh không an toàn, Sở Chỉ huy lần thứ 2 nhắc anh nhảy dù, anh vẫn kiên trì xin phép hạ cánh.

Lúc này tiêm kích Mỹ vẫn cay cú bám theo anh bắn rất dữ dội cho đến khi máy bay lăn vào ụ an toàn, mặc dù cao xạ bắn rất mạnh để chi viện.

Một trận đánh hoàn hảo, một cuộc hạ cánh tuyệt vời, một thế trận hợp đồng tác chiến ăn ý giữa KQNDVN và cao xạ yểm hộ, đồng thời đây cũng là một cuộc trả thù hèn hạ của bọn Mỹ...

Biên đội Nghĩa - Kiền đã lập công, phi công Nguyễn Văn Nghĩa bắn rơi một chiếc F-4, chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị KQNDVN hạ đo ván trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Nguyễn Văn Nghĩa trở thành người lập công đầu, "mở hàng" cho những chiến thắng của KQNDVN trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Sơ đồ trận biên đội MiG-21 Nghĩa - Kiền tiêu diệt F-4 Mỹ

Sơ đồ trận biên đội MiG-21 Nghĩa - Kiền tiêu diệt F-4 Mỹ

Vinh dự dành cho người Anh hùng

Với những chiến công xuất sắc của mình, ngày 03/9/1973, phi công Nguyễn Văn Nghĩa được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Anh là 1 trong 19 phi công được xếp hạng ACE (tiêu diệt từ 5 máy bay địch trở lên) của KQNDVN.

Không chỉ là phi công lập công đầu trong bảo vệ Hà Nội cuối năm 1972, đời quân ngũ của Nguyễn Văn Nghĩa còn có một vinh dự khác.

Trong không khí hân hoan của ngày toàn thắng 30/4/1975, một phi đội MiG-21 của Trung đoàn 927, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng PK-KQ nhận nhiệm vụ quan trọng: Chuyển 12 chiếc tiêm kích MiG-21 (có 1 chiếc MiG-21U huấn luyện) từ sân bay Kép vào sân bay Biên Hòa để tham gia bay diễu binh trên Quảng trường Thống Nhất trong Lễ mít tinh mừng Chiến thắng.

Chính phi đội chuyển sân này sẽ là nòng cốt để thành lập một đơn vị mới của KQNDVN - Trung đoàn Không quân 935 Anh hùng.

Trách nhiệm dẫn dắt phi đội tham gia cuộc chuyển sân lịch sử này được cấp trên tin tưởng giao cho phi công Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Nghĩa. Và anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Không ai quên được khoảnh khắc lịch sử: Đúng 10h30 ngày 14/5/1975 chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 5033 do Anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa điều khiển đã tiếp đất an toàn trên đường băng sân bay Biên Hòa, tiếp theo là 11 chiếc còn lại của Phi đội.

Đây là chuyến chuyển sân lịch sử: lần đầu tiên một phi đội MiG-21 thực hiện chuyển sân từ miền Bắc vào miền Nam với cự ly bay dài gần hết chiều dài đất nước.

Ngày 15/05/1975, phi đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bay diễu binh trong Lễ mừng chiến thắng tại Quảng trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.

Anh hùng LLVTND, phi công Nguyễn Văn Nghĩa rất vinh dự là phi công đầu tiên đưa MiG-21 hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa, hai sân bay của mảnh đất miền Nam yêu quí sau bao năm bị chia cắt.

Nguyễn Việt Cường - Nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phi-cong-xuat-sac-khong-quan-viet-nam-mo-hang-cho-chien-thang-dbp-tren-khong-1972-82021211291641876.htm