Phi công địch nhảy dù thoát thân khỏi máy bay bốc cháy: Vì sao không được phép bắn hạ?

Có một điều cấm kỵ trong chiến tranh mà nhiều quân đội tuân thủ. Đó là khi phi công địch phóng ghế để nhảy dù thoát thân, dù có cơ hội cũng không được bắn hạ. Vì sao?

Vì sao không được bắn phi công thoát thân?

Nếu như chơi một số trò chơi điện tử liên quan đến đề tài chiến tranh, bạn sẽ thấy một kịch bản như sau: Bạn bắn rơi máy bay địch. Người phi công kích hoạt ghế phóng và nhảy dù thoát thân.

Tuy nhiên, bạn đã đưa anh ta vào tầm ngắm. Bớt đi kẻ thù sẽ tốt hơn cho sau này. Bạn nghĩ vậy và quyết định "diệt cỏ tận gốc".

Đấy là trong game. Còn ở ngoài đời, việc bắn hạ một phi công vừa thoát khỏi máy bay được coi là điều cấm kỵ.

Theo luật chiến tranh, việc bắn rơi một phi công đã phóng ghế nhảy dù ra khỏi máy bay là một tội ác.

Tài liệu thực địa 27-10, "Luật chiến tranh trên bộ", nói rằng một phi công khi đã thoát khỏi máy bay thì được coi là một người không tham gia chiến đấu. Điều đó khác với một người lính dù được trang bị vũ khí tận răng và nhận nhiệm vụ nhảy xuống chiến trường để bắn phá.

"Luật chiến tranh không cấm bắn vào lính dù hoặc những người khác đang hoặc có vẻ như đang thực hiện các nhiệm vụ thù địch và đi xuống chiến trường bằng dù. Còn những người không được đề cập đến trong quy định ở trên, những người đang nhảy dù xuống từ máy bay bị bắn hạ thì không được bắn vào", trích dẫn cho hay.

Điều này đã được chính thức hóa vào năm 1977, trong Nghị định thư I của Công ước Geneva.

Nhưng ngay cả trước khi tất cả những quy định đó được hợp pháp hóa trong Công ước Geneva, một số quân đội đã áp dụng quy tắc ứng xử tương tự. Trong Thế chiến II, Đức Quốc xã – vốn nổi tiếng là tàn ác - cũng thường cấm các phi công của mình bắn rơi các phi công của địch thủ trong trường hợp kể trên.

Một chỉ huy người Đức nổi tiếng đã nói với các phi công của mình rằng:

"Là phi công chiến đấu, trước sau như một. Nếu tôi từng nghe nói về bất kỳ ai trong số các bạn bắn ai đó đang trong chiếc dù, tôi sẽ tự tay bắn các bạn".

Về phía Mỹ, Tướng Dwight D. Eisenhower đã ra lệnh cấm bắn vào phi công thoát thân phía đối phương.

Các phi công phía Nhật Bản thì lại không hề do dự như vậy, một phần xuất phát từ suy nghĩ coi việc đầu hàng là điều mất danh dự. Nhiều phi công quân Đồng minh ở Thái Bình Dương nhận thấy rằng việc lao ra khỏi một chiếc máy bay bị bắn hạ đôi khi cũng giống như việc đi vào chỗ chết khác.

Nói tóm lại, dù là chơi điện tử hay ngoài đời, đừng bắn vào những người lính đang thoát thân khỏi máy bay gặp nạn.

Tình thế chẳng đặng đừng

Trên thực tế, ngay cả việc kích hoạt ghế phòng để nhảy dù, một phi công cũng đã tự đưa mình vào tình trạng ngàn cân treo sợi tóc.

Bất kỳ một phi công chiến đấu nào cũng được đào tạo để có thể kích hoạt ghế phòng trong thời điểm nguy cấp. Cơ chế hoạt động của ghế phóng rất đơn giản: Bạn chỉ cần kích hoạt hệ thống và được phóng ra khỏi máy bay nhờ một động cơ tên lửa. Phi công thoát ra ngoài, dù bung và bạn sẽ được hạ cánh an toàn.

Tuy nhiên, trong Thế chiến II, quá trình này rất khác. Ghế phóng ở thời đại đó không được tiện lợi như ngày nay, vì vậy nhiều quá trình phải được xử lý thủ công, mang đến những rủi ro cực kỳ nguy hiểm.

Khi chiếc Grumman TBF Avenger của tổng thống tương lai George HW Bush bị trúng đạn của kẻ thù ở Chichijima, ông đành phải chọn thoát thân ra ngoài khi hai đồng đội của mình đã thiệt mạng.

Trong lúc hỗn loạn, Bush đã phóng ra không đúng cách và va chạm vào đuôi máy bay - may mắn là vết thương của ông khá nhẹ. Ông bị buộc vào một chiếc dù và trôi dạt trên biển trước khi được cứu.

Ngoài ra, cơ chế phóng đúng cách từ một máy bay chiến đấu thời Thế chiến II cũng khác nhau theo từng loại máy bay. Cách thức hiệu quả với P-38 Lightning sẽ không đúng với F4U Corsair.

Mục tiêu của ghế phóng là bảo vệ mạng sống phi công, chứ không phải vì sự tiện nghi cho phi công. Nhiều phi công đã bị các loại chấn thương nghề nghiệp sau khi sử dụng ghế phóng, gồm cả chấn thương cột sống.

Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng phát minh này đã giúp giảm thiểu thương vong cho phi công. Dù không được thống kê rõ ràng, nhưng tổng số phi công được cứu thoát trên tất cả các loại ghế phóng trong lịch sử là một con số khá lớn.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phi-cong-dich-nhay-du-thoat-than-khoi-may-bay-boc-chay-vi-sao-khong-duoc-phep-ban-ha-820221810505580.htm