Phi công huyền thoại của Việt Nam kể chuyện lần đầu học lái máy bay
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, học lái máy bay đòi hỏi am hiểu rộng không chỉ về các thiết bị, cấu tạo máy bay, phi công còn phải biết về khí tượng thủy văn.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm một chút về đặc điểm đào tạo phi công. Nếu học lái xe, trên xe ôtô chỉ có một vô lăng. Thầy hướng dẫn cách mở máy, cách đạp phanh, nhả côn, sang số, cách tiến, cách lùi rồi cách lên dốc, xuống dốc. Sau khi nắm vững lý thuyết, thầy vừa chạy xe vừa hướng dẫn học viên.
Tiếp theo, học viên thực hành lái, thầy ngồi bên phải vừa hướng dẫn vừa bảo hiểm, sẵn sàng xử lý khi học viên có sai sót. Cứ như vậy cho đến khi học viên lái thuần thục. Sau khi sát hạch, có bằng lái, học viên có thể lái bất cứ loại xe nào, từ xe con đến xe tải, rồi cả xe đầu kéo nữa khi được bổ túc thêm.
Học lái máy bay công phu hơn rất nhiều. Sau khi học xong một mớ lý thuyết không chỉ về cấu tạo máy bay, động cơ, các thiết bị về điện, điện tử, các loại đồng hồ chỉ thị, các công tắc đấu nối đến các thiết bị trong buồng lái, chúng tôi còn phải học về khí tượng, thủy văn, đủ các loại mây, loại mây nào có thể bay qua, loại mây nào chui vào sẽ không bao giờ ra được nữa; học về quy chế hoạt động của sân bay, các đài dẫn đường, trạm thông tin bố trí trên đó.
Một mớ lý thuyết khổng lồ chỉ được học trong bốn tháng, mà thầy dạy là người Nga, trong khi tiếng Nga của học trò chưa học xong phần ngữ pháp. Để có thể yên tâm chui vào buồng lái máy bay huấn luyện, chúng tôi đã lăn ra học ngày học đêm, kèm cặp nhau, người giỏi hơn giúp người kém hơn, không so bì cấp bậc chức tước.
Học hành vất vả nhất là các anh cán bộ phụ trách được chọn từ các đơn vị quân đội, tuổi cũng nhỉnh hơn đa số học viên và trình độ tiếp thu thật khó khăn. Sau khi học xong năm đầu, rất ít người lọt được vào số 24 học viên được chọn lên bay MIG-21.
Khi mới học bay hay khi bay tập những khóa mục mới sau này, thầy giáo là người điều khiển máy bay. Học viên nắm hờ cần lái và cần điều khiển động cơ, vừa gắng cảm nhận độ dịch chuyển của cần lái, phản xạ của các bánh lái, vừa quan sát độ nghiêng trái, nghiêng phải hay ngóc lên chúc xuống. Rồi khi nào thì tăng vòng quay động cơ, tăng bao nhiêu, giảm bao nhiêu (có đồng hồ chỉ theo tỷ lệ phần trăm...) Thầy vừa làm vừa nói cho học viên nghe.
Đến tận bây giờ, sau gần 60 năm tôi vẫn không quên được chuyến bay đầu tiên của mình. Đó là chuyến bay cảm giác vào ngày 1 tháng 4 năm 1966 trên chiếc máy bay L-29 ấy. Gọi là cảm giác thật chính xác, để học viên có cảm giác không chỉ khi lơ lửng trên không, mà còn cảm giác con người mình có phù hợp với công việc lái máy bay hay không. Còn cảm giác của tôi khi đó phải nói là hơi sợ. Thuở ấy tôi mới được bay hai chuyến trên máy bay vận tải quân sự của trường không quân từ thành phố Krasnodar về trung đoàn ở thị trấn Akhtary và một chuyến bay trên máy bay AN-2 khi tập nhảy dù. Ngày nay, mọi người đi máy bay nhiều nên có lẽ quen cảm giác trên không. Bay trên các máy bay chở khách, khách chỉ nhìn ra ngoài qua các ô cửa sổ. Chưa kể bên cạnh còn có các hành khách khác nên khá yên tâm.
Nguồn Znews: https://znews.vn/hoc-lai-may-bay-cong-phu-hon-o-to-nhu-nao-post1518608.html