Phi công Liên Xô mất một tay vẫn anh dũng chiến đấu

Đối với các phi công trong Chiến tranh thế giới thứ hai, việc mất đi tay hoặc chân đồng nghĩa với trở lại mặt đất và từ biệt bầu trời. Tuy nhiên, không phải tất cả đều sẵn sàng chấp nhận số phận như vậy.

Theo Russia Beyond, lịch sử đã ghi nhận 10 trường hợp phi công lại ngồi vào sau tay lái máy bay sau khi bị mất một chân. Nhưng những người có thể bay lên bầu trời một lần nữa mà không cần một tay là hoàn toàn hiếm. Phi công Đức Viktor Petermann và phi công Liên Xô Ivan Antonovich Leonov là những người có thể thực hiện hành động dũng cảm như vậy.

Ngày 5-7-1943 là ngày định mệnh trong cuộc đời của Leonov-phi công thuộc Trung đoàn không quân tiêm kích số 192. Trong giai đoạn đầu của trận Kursk, trên đường lái chiếc tiêm kích La-5 trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát, Leonov đã bị máy bay đối phương tấn công. “Tôi cảm thấy tay trái của mình bị bỏng rát và sau đó bị tê liệt. Tôi không thể cử động tay”, phi công Leonov kể lại. Leonov vẫn cố gắng nhảy ra khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy bằng một chiếc dù. Sau đó, đồng đội đã nhanh chóng đưa Leonov đến bệnh viện. Tuy nhiên, các bác sĩ đã không thể cứu được cánh tay trái của Leonov và buộc phải cắt bỏ đến gần vai. Không những thế, Leonov còn bị thương ở chân.

 Phi công Liên Xô Ivan Antonovich Leonov. Ảnh: rbth.com.

Phi công Liên Xô Ivan Antonovich Leonov. Ảnh: rbth.com.

Khi đó, đối với Leonov chỉ có một hướng đi, đó là giải ngũ. Trong trường hợp tốt hơn, Leonov có thể nhận được một công việc nào đó tại sở chỉ huy ở hậu phương. Tuy nhiên, Leonov không chịu đầu hàng số phận. Sau khi xuất viện vào tháng 3-1944, Leonov bắt đầu đến nhiều nơi để xin tiếp tục lái máy bay. Mọi người nhìn Leonov với ánh mắt ái ngại bởi vì Leonov không những mất một cánh tay mà còn đi khập khiễng.

Trung tướng Mikhail Gromov, chỉ huy Tập đoàn quân không quân số 1, đã đến gặp Leonov. Ông cho phép Leonov tiếp tục ngồi vào buồng lái nếu tìm ra cách điều khiển máy bay. Và Leonov đã làm được. “Tôi hỏi Leonov rằng cậu nghĩ như thế nào về việc sử dụng cần điều khiển trên máy bay khi thiếu mất một tay. Leonov giải thích rất cặn kẽ với tôi rằng cậu ấy đã chế tạo ra một thiết bị đặc biệt-cánh tay giả làm bằng hợp kim duralumin gắn vào vai trái. Chỉ cần một cử động nhỏ của vai là đủ để cánh tay giả di chuyển cần điều khiển. Đây là cách Leonov giải quyết vấn đề khó khăn khi lái máy bay đối với phi công chỉ có một tay", ông Gromov cho biết.

Chỉ vài tuần sau đó, Leonov đã có thể trở lại buồng lái máy bay. Tuy nhiên, Leonov không còn có thể tham gia chiến đấu trong các cuộc không chiến yêu cầu tốc độ cao. Thay vào đó, Leonov gia nhập phi đội thông tin liên lạc số 33. Trên chiếc máy bay đa năng U-2 (còn gọi là Po-2), Leonov vận chuyển các báo cáo bí mật của sở chỉ huy, thư từ và các ấn phẩm in ra tiền tuyến. Trong một lần bay, Leonov bị thương ở chân do trúng đạn của đối phương.

Sau khi trở lại bầu trời, dù mất một cánh tay nhưng Leonov đã thực hiện tới 52 chuyến bay. Khi chiến tranh kết thúc, Leonov chuyển sang làm nhiệm vụ ở bộ phận dịch vụ sân bay mặt đất. Vì những cống hiến của mình, Leonov được trao Huân chương Cờ đỏ. Ông qua đời vào năm 2018, hưởng thọ 95 tuổi.

TÚ ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/phi-cong-lien-xo-mat-mot-tay-van-anh-dung-chien-dau-655251