Phi hành gia Mỹ mắc kẹt trong không gian vì sửa tàu vũ trụ

Tàu vũ trụ Boeing Starliner đã bất ngờ gặp sự cố kỹ thuật đã khiến hai phi hành gia NASA bị mắc kẹt trên trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Phi hành gia NASA Butch Wilmore và Suni Williams đang bị mắc kẹt tại Trạm ISS.

Phi hành gia NASA Butch Wilmore và Suni Williams đang bị mắc kẹt tại Trạm ISS.

RT đưa tin, tàu vũ trụ Boeing Starliner tiếp tục gặp sự cố kỹ thuật sau khi đưa 2 phi hành gia NASA lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS thành công.

Hai nhà khoa học người Mỹ Suni Williams và Butch Wilmore – sẽ không quay trở lại Trái đất trước ngày 26 tháng 6 do các chuyên gia đang nỗ lực sửa chữa tàu vũ trụ.

Họ đến Trạm ISS vào ngày 6/6 và ban đầu dự định chỉ ở lại đây 1 tuần.

Chiếc Boeing CST-100 Starliner đã gặp các vấn đề cơ học trong lần phóng đầu tiên trong sứ mệnh có người lái vào ngày 6/6.

Trên đường lên Trạm ISS hôm 6/6, phi hành đoàn đã báo cáo sự cố với 5 bộ đẩy và 4 rò rỉ khí heli, và một rò rỉ khác được tiết lộ ngay sau đó. Trước chuyến bay, công ty cũng tuyên bố rằng tàu vũ trụ đã xảy ra một “vụ rò rỉ khí heli nhỏ” nhưng khẳng định đây không phải là “vấn đề an toàn quan trọng đối với chuyến bay” và có thể quản lý được.

Giám đốc Chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA, Steve Stich, đã giải thích vào đầu tuần này rằng, lý do tạm dừng là do cơ quan này mong muốn “cho các nhóm của chúng tôi thêm một chút thời gian để xem xét dữ liệu, thực hiện một số phân tích và đảm bảo rằng chúng tôi thực sự sẵn sàng trở về nhà."

Ông Stitch cũng nhấn mạnh rằng NASA hiện không lường trước được kịch bản trong đó hai phi hành gia không thể trở về nhà trên tàu Starliner.

Chuyến trở về hiện được lên kế hoạch vào ngày 26 tháng 6, khi phi hành đoàn sẽ cố gắng hạ cánh xuống khu vực White Sands của New Mexico. Nếu điều đó là không thể thì “cơ hội lớn” tiếp theo sẽ là một tuần sau vào ngày 2 tháng 7.

Bất chấp sự chậm trễ kéo dài, Dana Weigel của NASA, người quản lý chương trình ISS của cơ quan, cho biết phi hành đoàn đang cảm thấy tích cực.

Phó chủ tịch Boeing kiêm Giám đốc Chương trình phi hành đoàn thương mại, Mark Nappi, cũng cho biết phi hành đoàn đang tận dụng thời gian có thêm và coi tình hình là một “cơ hội” để làm nhiều việc hơn.

Các sứ mệnh đi vào Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS trước đây được thực hiện giữa đối tác Mỹ và Nga. Sự hợp tác vẫn tiếp diễn dù ở mức độ thấp hơn sau các căng thẳng chính trị giữa hai nước do cuộc xung đột Ukraine.

Hôm 23/3, tàu vũ trụ Soyuz của Nga chở theo 3 phi hành gia của Nga, Belarus và Mỹ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan.

NASA và các đối tác hy vọng sẽ tiếp tục vận hành Trạm ISS quay quanh quỹ đạo cho đến năm 2030. Về phía Nga, Moscow dự định xây dựng Trạm quỹ đạo Nga (ROS) để thay thế cho Trạm vũ trụ quốc tế sắp hết hạn vận hành, với mục tiêu đưa những cấu trúc đầu tiên vào quỹ đạo năm 2027.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc nước này có trạm không gian vũ trụ riêng là bước phát triển hợp lý khi ISS đã tồn tại được 25 năm và có thể kết thúc hoạt động vào khoảng năm 2030. Biện pháp gia hạn hoạt động của Nga trên ISS đến năm 2028 chỉ là tạm thời.

Kim Hoa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phi-hanh-gia-my-mac-ket-trong-khong-gian-vi-sua-tau-vu-tru-post688461.html