Phi hành gia Trung Quốc trở về sau sứ mệnh dài nhất của Bắc Kinh
Đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết 3 phi hành gia Trung Quốc đã hạ cánh xuống Nội Mông ngày 17/4 sau 183 ngày trong không gian, kết thúc sứ mệnh vũ trụ dài nhất của Bắc Kinh.
Các phi hành gia Zhai Zhigang, Ye Guangfu và Wang Yaping đã hạ cánh ngay trước 10h sáng 17/4, theo giờ Bắc Kinh, sau 6 tháng ở trên trạm vũ trụ thường trực Thiên Cung của Trung Quốc, theo AFP.
"Thần Châu 13 đã trở lại Trái Đất và hạ cánh thành công", đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết.
Tàu vũ trụ Thần Châu 13 là sứ mệnh mới nhất của Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh về lĩnh vực không gian với các cường quốc khác.
Ba phi hành gia ban đầu được đưa lên vũ trụ bằng Thần Châu 13 từ sa mạc Gobi ở tây bắc Trung Quốc vào tháng 10/2021. Đây là sứ mệnh thứ 2 trong số 4 sứ mệnh vũ trụ trong giai đoạn 2021-2022 nhằm lắp ráp trạm vũ trụ thường trực đầu tiên của đất nước - Thiên Cung.
Bà Wang trở thành người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên đi bộ trong không gian vào tháng 11/2021, khi bà và đồng nghiệp lắp đặt thiết bị trạm không gian trong thời gian 6 giờ.
Họ đã hoàn thành 2 chuyến đi bộ ngoài không gian, thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học, thiết lập thiết bị và thử nghiệm công nghệ trong thời gian ở trên quỹ đạo.
Các phi hành gia đã dành vài tuần qua để thu dọn, cũng như chuẩn bị các phương tiện và thiết bị trong cabin cho phi hành đoàn của chiếc Thần Châu 14, dự kiến được phóng trong những tháng tới.
Thiên Cung dự kiến hoạt động trong ít nhất 10 năm.
Zhai, chỉ huy của sứ mệnh, là một cựu phi công chiến đấu đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2008, trong khi Ye là một phi công của Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Thời gian thực hiện sứ mệnh tàu vũ trụ kỷ lục trước đây của Trung Quốc được thiết lập bởi sứ mệnh Thần Châu 12 vào năm ngoái, kéo dài 92 ngày.
Theo CCTV, 6 tháng sẽ trở thành thời gian cư trú bình thường của phi hành gia trên trạm vũ trụ Trung Quốc.