Phía sau loạt doanh nghiệp 'khất lần' nộp báo cáo kiểm toán

Đã quá thời hạn nộp báo cáo tài chính sau kiểm toán nhưng nhiều doanh nghiệp, thậm chí là những doanh nghiệp lớn có tên tuổi trong ngành vẫn nêu nhiều lý do để xin hoãn nộp, trong đó không thiếu doanh nghiệp có tiếng trong việc 'chây ì' nộp báo cáo tài chính. Và nếu nhìn sang kết quả kinh doanh thì những doanh nghiệp này đều kém sáng.

Mới nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã từ chối đề nghị tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam–CTCP (Vietnam Airlines, mã: HVN) mà doanh nghiệp đã gửi văn bản về việc xin hoãn công bố BCTC được kiểm toán năm 2022 ngày 29/3 vừa qua.

Điểm danh những "tên tuổi"

Theo UBCKNN, lý do xin chậm công bố BCTC kiểm toán năm 2022 của Vietnam Airlines không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc các lý do bất khả kháng khác…

Vì vậy, cơ quan quản lý đề nghị Vietnam Airlines khẩn trương khắc phục công tác kế toán để hoàn thành việc công bố thông tin theo quy định.

UBCKNN đã từ chối đề nghị tạm hoãn công bố thông tin BCTC năm 2022 của Vietnam Airlines. (Ảnh: Int)

UBCKNN đã từ chối đề nghị tạm hoãn công bố thông tin BCTC năm 2022 của Vietnam Airlines. (Ảnh: Int)

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên, doanh nghiệp hàng không này chậm công bố thông tin mà tình trạng này diễn ra thường xuyên hàng năm. Năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp Vietnam Airlines mong muốn được gia hạn nộp BCTC.

Cũng về việc chậm nộp BCTC, ngày 28/3, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã có văn bản gửi đến UBCKNN và HoSE xin gia hạn thời gian công bố BCTC năm 2022 với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng bị UBCKNN “lắc đầu”.

Tương tự, UBCKNN đã ra công văn về việc không chấp thuận đề nghị hoãn công bố BCTC kiểm toán năm 2022 của Công ty cổ phần Thép Pomina (POM) vì lý do mà công ty đưa ra không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Thép Pomina cũng là doanh nghiệp có tiếng trong việc "chây ì" nộp BCTC. Công ty từng xin gia hạn công bố BCTC năm 2021 đến ngày 11/4/2022 vì lý do bất khả kháng là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. UBCKNN đã chấp thuận đề nghị gia hạn này, nhưng đến ngày 11/4/2022, công ty vẫn chưa nộp báo cáo và HoSE phải ra công văn nhắc nhở. Cuối cùng, Thép Pomina nộp BCTC kiểm toán năm 2021 vào ngày 19/4/2022, chậm 19 ngày so với hạn chót theo quy định thông thường và chậm 8 ngày so với hạn chót do chính công ty đặt ra.

Trước đó, Thép Pomina cũng xin gia hạn nộp BCTC kiểm toán năm 2020, 2019 hay thậm chí là năm 2018 khi chưa chịu ảnh hưởng của Covid-19.

Novaland (NVL) và Hải Phát Invest (HPX) cũng là 2 trường hợp UBCKNN không đồng ý được hoãn nộp BCTC, yêu cầu cả Novaland và Hải Phát phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định với những lý do tương tự như đối với các doanh nghiệp nêu trên.

UBCKNN cũng đề nghị Công ty cổ phần Louis Capital (TGG) khẩn trương khắc phục công tác kế toán để hoàn thành công bố thông tin theo quy định sau khi công ty này xin gia hạn công bố BCTC năm 2022.

Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (IBC) muốn được hoãn công bố BCTC kiểm toán tới ngày 30/6/2023, tức 3 tháng sau hạn chót thông thường và 6 tháng sau khi kết thúc năm tài chính với lý do đang trong tình trạng khó khăn về tài chính; công ty con là Anh ngữ Apax đang tái cấu trúc. Với trường hợp này, UBCKNN chưa trả lời.

Doanh nghiệp kinh doanh “bết bát”

Nhìn chung, những doanh nghiệp đang xin hoãn công bố BCTC kiểm toán đều đưa ra những lý do viện dẫn "hợp tình hợp lý", song nếu nhìn vào tình hình kinh doanh trước đó của doanh nghiệp thì hầu hết đều ghi nhận kết quả trì trệ.

Điển hình, theo BCTC hợp nhất quý IV/2022 (chưa kiểm toán), Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế năm là âm 10.452,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày cuối năm vừa qua âm 34.199,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10.199,2 tỷ đồng.

Theo HoSE, nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 của “ông lớn” ngành hàng không này tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu âm, cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết.

Với Xây dựng Hòa Bình, theo báo cáo tự lập, trong quý IV/2022, công ty lỗ 1.202 tỷ đồng và lũy kế cả năm lỗ 1.140 tỷ đồng.

Còn theo BCTC chưa kiểm toán, Thép Pomina báo lỗ sau thuế kỷ lục 1.168 tỷ đồng trong năm 2022 khi ngành thép lao đao vì giá thép giảm, nhu cầu tiêu thụ thấp.

Trong khi đó, cả Novaland và Hải Phát đều gặp phải những khó khăn chung của ngành bất động sản sau hàng loạt biến cố tại Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu biến động tiêu cực, .... dẫn tới kết quả kinh doanh năm 2022 cũng không khá khẩm hơn là bao.

Tại Louis Capital, kể từ khi vụ việc của cựu Chủ tịch HĐQT Đỗ Thành Nhân xảy ra, bộ máy nhân sự cấp cao của công ty đã có nhiều biến động. Đồng thời, kết quả kinh doanh cũng không mấy tích cực khi lợi nhuận quý IV/2022 âm 11,72 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, doanh thu đạt 576,62 tỷ đồng, lợi nhuận âm 22,45 tỷ đồng.

Apax Holdings của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) thì đang vướng lùm xùm về việc thu tiền học phí tiếng Anh của nhiều gia đình nhưng không mở lớp giảng dạy, hiện đang bị các phụ huynh đòi tiền. Ước tính số học phí cần hoàn trả là khoảng 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, do chậm trễ nộp BCTC kiểm toán và kết quả kinh doanh lao dốc, cổ phiếu của các doanh nghiệp như HVN, NVL, HPX, HBC, IBC, POM, TGG đều đã bị đưa vào danh sách bị cắt margin.

Giới phân tích đánh giá, việc chậm nộp BCTC sẽ dẫn đến nhiều hậu quả. Đó là việc thông tin thiếu rõ ràng, khiến nhà đầu tư không thể ra quyết định, hoặc quyết định thiếu chính xác hoạt động đầu tư, mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, điều này có thể tạo điều kiện cho những giao dịch nội gián, dựa trên thông tin quan trọng, không được công khai về công ty. Thực trạng này nguy hiểm bởi sẽ dẫn đến những hoạt động đầu tư thiếu bền vững, chủ yếu mang tính "lướt sóng". Đó là chưa kể đến câu chuyện "chế biến" thông tin trên BCTC.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/phia-sau-loat-doanh-nghiep-khat-lan-nop-bao-cao-kiem-toan-1091985.html