Phía sau những cánh rừng: Đắk Lắk triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để giải quyết các khó khăn, thách thức của ngành Lâm nghiệp và đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Cơ chế chính sách tiền lương còn mang nặng tính bình quân
Ngay sau khi loạt bài viết “Phía sau những cánh rừng” được đăng tải, PV Người Đưa Tin đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.
NĐT: Ông nhận định như thế nào về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay? Cụ thể, trong bối cảnh lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả bằng vũ khí nóng?
Ông Nguyễn Thiên Văn: Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có những chuyển biến tích cực.
Trong năm 2023, theo tổng hợp, báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tổng số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện lập biên bản xử lý trên địa bàn tỉnh là 974 vụ (giảm 199 vụ so với cùng kỳ năm trước).
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngày càng có tính chất rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, đối tượng vi phạm ngày càng liều lĩnh, manh động, coi thường pháp luật.
Từ năm đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra rất nhiều vụ lâm tặc chống người thi hành công vụ, với các hình thức chống đối rất quyết liệt như dùng súng tự chế, ná bắn đá, ném đá, dùng dao chém, kim tiêm uy hiếp, đánh chông đinh, tấn công vào các trạm quản lý bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng.
Các đối tượng vi phạm dùng số đông để lăng mạ, hù dọa lực lượng quản lý bảo vệ rừng nhằm cướp lại các tang vật vi phạm, gây áp lực đến việc trồng rừng, khắc phục hậu quả trên diện tích mất rừng….
Các vụ việc xảy ra hầu hết tại các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc tập trung vào sống gần rừng, trong rừng, như các huyện: Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, M’Drắk, Ea Kar….
Có những trường hợp dùng súng chống đối, tấn công người thi hành công vụ xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, ảnh hưởng đến tâm lý của công chức, viên chức, người lao động thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.
Điều đó, dẫn đến không ít cán bộ kiểm lâm bị thương, nghiêm trọng gần đây nhất là vụ việc đồng chí Nguyễn Kim Anh, phụ trách trạm Kiểm lâm số 2, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô bị bắn chết khi thực hiện nhiệm vụ.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng và chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ để người dân, các tổ chức biết, chấp hành.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và tính nghiêm minh của pháp luật.
NĐT: Trong khi phải đối diện với nhiều khó khăn, áp lực lẫn những thách thức trong quá trình quản lý bảo vệ rừng nhưng cơ chế chính sách tiền lương cho lực lượng giữ rừng hiện nay còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tính chất công việc, ông có nhận định gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thiên Văn: Hiện nay, tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 497.018ha. Địa bàn quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp; điều kiện làm việc, sinh hoạt, đi lại khó khăn, thiếu thốn nhưng thu nhập của lực lượng giữ rừng thấp (bình quân từ 4-8 triệu/người/tháng), trách nhiệm cao trong khi rừng vẫn tiếp tục bị suy giảm. Từ đó dẫn đến tình trạng xin nghỉ việc, xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu.
Qua thống kê, trong 5 năm trở lại đây, có trên 150 người là lực lượng bảo vệ rừng xin nghỉ việc do rất nhiều nguyên nhân. Nhiều sinh viên ra trường không muốn vào làm việc, chưa kể số lượng sinh viên đăng ký ngành học lâm nghiệp ngày càng giảm.
Nhìn chung cơ chế chính sách tiền lương trong khu vực công nói chung và cho lực lượng bảo vệ rừng nói riêng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tính chất, khối lượng của từng vị trí việc làm, còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa thu hút, phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Thực hiện Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ nghiên cứu, đề nghị mức lương tương xứng với tính chất, khối lượng công việc của lực lượng bảo vệ rừng.
Giải pháp giữ chân người giữ rừng
NĐT: Kinh phí để hỗ trợ bảo vệ rừng hiện nay có đảm bảo hay không khi số tiền hỗ trợ cho chủ rừng 300 nghìn/ha/năm; cấp xã 100 nghìn/ha/năm?
Ông Nguyễn Thiên Văn: Với chính sách quy định mức hỗ trợ nêu trên là quá thấp, mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% so với nhu cầu. Trong khi, thực tế nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Điều đó đã ảnh hưởng không ít đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của các tổ chức, doanh nghiệp như tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ ngân sách nhà nước (tiền thuê đất) tại một số công ty lâm nghiệp chưa có hướng giải quyết. Tình trạng cán bộ quản lý bảo vệ rừng, kể cả lãnh đạo quản lý các công ty lâm nghiệp đã xin thôi việc, tự ý bỏ việc...
Vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều văn bản báo cáo phản ánh, đồng thời đã đề nghị Bộ NN& PTNT sớm có cơ chế, chính sách tăng kinh phí quản lý bảo vệ rừng cho phù hợp và hiện đang được Bộ NN&PTNT tổng hợp, xây dựng.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án tăng mức hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên từ ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm phần kinh phí bảo vệ rừng cho các đơn vị quản lý rừng và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tại Thông báo số 1755-TB/TU ngày 18/10/2023.
Cụ thể, tăng kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên từ 300.000 đồng/ha lên 500.000 đồng/ha cho đối tượng chủ rừng là các Công ty TNHH MTV, HTV lâm nghiệp đang quản lý bảo vệ rừng tự nhiên được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ và chủ rừng là các đơn vị lực lượng vũ trang đang được giao rừng tự nhiên để quản lý, bảo vệ. Tăng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên từ 100.000 đồng/ha/năm lên 200.000 đồng/ha/năm cho UBND cấp xã được giao quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên.
Để có cơ sở triển khai thực hiện, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn xin ý kiến Bộ NN&PTNT về phương án tăng mức hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa xử lý nội dung trên.
NĐT: Chính sách hỗ trợ cho người giữ rừng bị thương, tử vong trong lúc làm nhiệm vụ đã có. Tuy nhiên, thực tế không ít người giữ rừng đã tử vong, bị thương nặng trong lúc làm nhiệm vụ, đến nay đã 5-8 năm nhưng vẫn chưa giải quyết chế độ. Tỉnh có chỉ đạo như thế nào với những trường hợp trên?
Ông Nguyễn Thiên Văn: Hiện nay, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã rất quan tâm có các chính sách đãi ngộ đối với lực lượng Kiểm lâm, như: chế độ thâm niên nghề, chế độ ưu đãi nghề… Theo quy định của pháp luật thì công chức, viên chức bị thương hoặc chết do thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao thì được xét hưởng chính sách như thương binh hoặc được xét để công nhận là liệt sĩ.
Việc giải quyết chế độ cho công chức, viên chức cần hoàn thiện các hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp đồng chí Ngô Đức Liên, Vườn Quốc Gia Chư Yang Sin bị thương năm 2019, đồng chí Nguyễn Kim Anh tử vong năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ động liên hệ Công an tỉnh, Sở LĐTB&XH để sớm hoàn thiện hồ sơ để trình UBND xem xét, giải quyết theo quy định.
NĐT: UBND tỉnh Đắk Lắk nhận thấy những bất cập gì trong quy định cần kiến nghị Trung ương tháo gỡ?
Ông Nguyễn Thiên Văn: Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và giải quyết các khó khăn, thách thức đối với ngành Lâm nghiệp hiện nay, trước hết phải có chính sách thu hút nhân lực cho ngành lâm nghiệp, có biên chế riêng cho lực lượng kiểm lâm để bố trí đủ số lượng công chức kiểm lâm đáp ứng theo nhu cầu cần thiết của địa phương.
Đồng thời, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị và các điều kiện làm việc cho người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật để họ yên tâm công tác ổn định, lâu dài. Xem xét có cơ chế, chính sách đãi ngộ về tiền lương, độ tuổi nghỉ hưu (từ 50-55 tuổi, tương tự như lực lượng quân đội và công an).
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu, đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Bên cạnh đó, liên hệ, làm việc với các cơ sở đào tạo để trao đổi, thông tin về cơ hội việc làm nhằm định hướng, thu hút học sinh, sinh viên tham gia học ngành lâm nghiệp; mở rộng đối tượng tuyển dụng; đề nghị xét tuyển công chức, viên chức đối với người cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc...
Thứ hai, cần tăng quyền hạn cho kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng để xử lý kịp thời, tránh để đối tượng vi phạm có hàng vi chống đối, cản trở thực thi nhiệm vụ, đồng thời tự bảo vệ được bản thân khi các đối đượng có những hành động chống trả quyết liệt...
Thứ ba, phải có cơ chế đặc thù với lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể, nghiên cứu bổ sung chế độ đặc thù cho lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng (người giữ rừng) bảm bảo thu nhập đáp ứng nhu cầu cuộc sống; chính sách về thương binh, liệt sỹ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; cải thiện các điều kiện làm việc để họ có thể thực hiện được chức trách, nhiệm vụ.