Phía sau những cuốn sách dành cho phạm nhân
Nhìn những cuốn sách quăn mép, bìa lên nước bóng loáng, có thể hình dung được các phạm nhân ở trại giam Phú Sơn 4, Thái Nguyên đã chăm đi thư viện thế nào.
Đầu năm 2019, chị Phạm Minh Thủy - bác sĩ tại bệnh viện Quân đội 354 - đã có cơ duyên trao chuyển sách cho một phạm nhân ở trại giam Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phúc.
Qua đó, chị được biết trại giam đang cần làm tủ sách cho các phạm nhân. Trong một thời gian ngắn sau đó, ban lãnh đạo trại và chị Thủy có chung một mục đích mang văn hóa đọc tới trại giam. Sau này, chị đã chủ động mở rộng mạng lưới quyên góp sách. Đặc biệt, chị kết nối và nhận được sự cộng tác từ chị Nguyễn Bích Lan.
Cùng trại giam lấp đầy tủ sách
Hai chị quyết định đặt tên nhóm Không gục ngã, lấy cảm hứng từ cuốn tự truyện cùng tên của chị Lan - một người loạn dưỡng cơ, đã nỗ lực tự học tiếng Anh và trở thành dịch giả của nhiều đầu sách văn chương nước ngoài có giá trị như Từ sông Nile đến sông Jordan, Triệu phú khu ổ chuột, Lời nguyện cầu từ Chernobyl...
Lãnh đạo trại quyết định tạo tủ sách tại các phòng để các phạm nhân được tiếp xúc với sách một cách thoải mái nhất. Bản thân giám thị trại vốn trước đây là thầy giáo ở trại giáo dưỡng, vậy nên anh thấu hiểu tâm lý và tâm huyết với việc nuôi dưỡng văn hóa đọc sách.
Phạm nhân là những người trực tiếp tham gia việc đóng tủ sách gỗ ở các phòng. Thông qua nhiều nguồn hỗ trợ như các cán bộ công nhân viên trại giam, người nhà phạm nhân, đến những người yêu sách và có tấm lòng thiện nguyện như nhóm Không gục ngã, mà chỉ trong vòng ba tháng (4/2019 - 7/2019), từ một tủ sách còn tương đối nghèo nàn, các giá sách ở đây đã gần được lấp đầy.
Cụ thể, đến giữa tháng 7, ở trại giam Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc đã có 14 giá sách trong 14 (trên tổng 16) phòng giam, mỗi phòng có khoảng 50 tù nhân, mỗi giá có khoảng 70 đầu sách. Chị Thủy hy vọng: “Nếu tù nhân được tiếp xúc với sách, họ sẽ rèn luyện bản thân tốt, để khi hoàn thành xong quá trình tu dưỡng, họ quay lại với đời trong tâm thế tốt hơn”.
Trong Nhà xuất bản Phụ nữ, một hội mang tên Nữ trí thức đã bán sách gây quỹ, trích một phần tiền lãi và sách dư để mang sách đi quyên tặng. Sau nhiều năm hoạt động, hội đã kết nối quyên tặng sách đến khoảng hơn 10 địa điểm, chủ yếu là phát triển tủ sách ở các câu lạc bộ dành cho người khuyết tật. Khi biết đến chương trình tặng sách cho trại giam của hội Không gục ngã, giám đốc và các thành viên hội Nữ trí thức của Nhà xuất bản Phụ nữ rất quan tâm, để rồi trại giam Phú Sơn 4, Thái Nguyên trở thành điểm đến tiếp theo trong hành trình mở rộng văn hóa đọc.
'Ở đây, tinh thần đọc sách của mọi người lên cao lắm'
Hơn 130 đầu sách do cán bộ, nhân viên và những người bạn của Nhà xuất bản Phụ nữ góp vào thư viện của trại giam Phú Sơn 4 phong phú về thể loại: Từ văn học đến phát triển bản thân, khởi nghiệp, học tiếng Anh, nuôi dạy con. Các cuốn sách được tuyển chọn kỹ càng, qua nhiều lần sàng lọc, kiểm duyệt trước khi đưa vào thư viện cho phạm nhân.
Khác với trại giam Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc, trại giam Phú Sơn 4, Thái Nguyên đã có thư viện tương đối quy củ, có quy định về thời gian đọc sách cho phạm nhân, do đã được vận hành từ ba năm nay (từ 11/2016), thậm chí sách đã xuất hiện tại trại giam này từ 6 năm nay.
Lãnh đạo trại giam chia sẻ: “Ở đây tinh thần đọc sách của mọi người lên cao lắm”. Quả vậy, nhìn những cuốn sách quăn mép, bìa lên nước bóng loáng, có thể hình dung được các phạm nhân ở đây đã chăm đi thư viện như thế nào.
Trong chuyến đi lên trại giam ở Thái Nguyên vào đợt cuối tháng 7 vừa qua còn có sự xuất hiện của anh Nguyễn Quốc Vương trong vai trò chủ trì buổi giao lưu và nói chuyện với chủ đề “Tìm một con đường, chọn một lối đi”, chia sẻ về cách sống của con người ở giữa điểm sinh và điểm tử của cuộc đời.
Anh coi đây là một trải nghiệm rất đặc biệt và hiếm hoi, gợi mở cho anh những ý tưởng mà trước đó anh chưa từng biết tới. Trong buổi giao lưu, người nói chuyện và các phạm nhân đều khóc. Có những em bé được bế ẵm trong tay các nữ phạm nhân, những em bé hồn nhiên cười trong khi những giọt nước mắt người lớn lặng lẽ rơi...
Các hội nhóm như Không gục ngã hay Nữ trí thức đã liên hệ được nhiều cá nhân và đoàn thể phát triển nguồn sách cho các thư viện này, đặc biệt nhận được ủng hộ từ chị Trương Lê Na, anh Đỗ Tiến Thành, anh Nguyễn Trí Nhân...
Sự tác động và lan tỏa của họ đã giúp mọi người biết thêm về chương trình và nhận thấy ảnh hưởng tích cực của sách đối với phạm nhân như thế nào. Phạm nhân đọc sách được giải tỏa về tinh thần, tìm được hướng đi cho bản thân. Lượng sách ủng hộ tương đối nhiều so với dự tính ban đầu của các hội nhóm này, bản thân các anh chị phải chọn lựa, sàng lọc nhiều lần.
Cách thức xây dựng và vận hành thư viện ở trại giam cũng đặt ra nhiều bài học cho những người nặng lòng với việc phát triển văn hóa đọc, để làm sao hình thành những không gian đọc cho các các nhóm đối tượng xã hội khác nhau một cách hiệu quả, để việc đọc ngày càng trở nên phổ biến, nhiều người tiếp cận với sách hơn.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phia-sau-nhung-cuon-sach-danh-cho-pham-nhan-post986867.html