Phía sau những hội hè miên man…
. Chị là giáo viên dạy văn cấp 3, đứng bục giảng đã hơn 20 năm. Vậy mà một hôm, đứa con gái học năm cuối trường trung học mang về một bộ váy dạ hội, xin phép ba mẹ đi dự một buổi prom với các bạn, chị ngơ ngác. Prom là gì? Chị lên Google tìm câu trả lời.
Từ dạ tiệc đến hội hè
Prom, promenade hay prom night, nôm na là đêm dạ hội cuối cấp của học sinh trung học. Từ các bộ phim Âu, Mỹ và từ các trường quốc tế, prom dần trở nên phổ biến trong các trường học Việt Nam, trở thành một sinh hoạt văn hóa mới du nhập được học sinh hồ hởi đón nhận trong vài năm gần đây.
Prom không chỉ là khái niệm gây ngơ ngác cho chị giáo viên nhắc ở trên, prom còn tạo ít nhiều bất ngờ với cả những giáo viên dạy trường quốc tế khi nhận được những thiệp mời dự dạ hội, khiêu vũ. Tại đó, theo kiểu tân thời, các học sinh cuối cấp 3 được “xõa” với tiệc tùng, nhảy nhót, trình diễn các kiểu thời trang, tự do bộc lộ tình cảm với bạn khác giới…, xem như đánh dấu một bước trưởng thành trước khi chia tay đời học trò.
Và cũng không chờ tới lúc phải chia tay đời học sinh, các em học sinh lớp cuối cấp 2 cũng có những prom night của mình với mong muốn được tự do, thoải mái trong một đêm tiệc thoát khỏi tầm giám sát của những “cha mẹ trực thăng” (helicopter parents, chỉ những cha mẹ chăm con quá mức). Nhiều ông bố, bà mẹ không biết prom là gì, nhưng để con được vui vẻ, được xả hơi sau những kỳ thi vất vả, đã sẵn sàng gật đầu đóng phí cho con tham gia; về cuối đám tiệc thì đứng sẵn ở trước cổng, ngáp ngắn ngáp dài chờ đón con về nhà.
Với các em học sinh, tham dự vào những buổi tiệc như thế, các em dễ dàng thấy mình hòa đồng, hội nhập với bạn bè, tự tin hơn trong những sinh hoạt có xu hướng mới mẻ. Bằng cách đó, prom đi vào đời sống và sinh hoạt của tuổi trẻ thời toàn cầu hóa một cách thật bình thường và tự nhiên.
Nhưng prom chỉ là một trong những ví dụ cho thấy học sinh hôm nay có cơ hội sống trong những sinh hoạt văn hóa mới. Có khá nhiều những buổi tiệc tùng, hội hè suốt một năm học của một học sinh, đặc biệt là học sinh cấp 3, nào là sinh nhật bạn, tiễn bạn chuyển trường hay đi du học, nào là dã ngoại ngoại khóa hay tiệc mừng kết thúc học kỳ, kết thúc năm học…
Nhìn ở khía cạnh tích cực, các sinh hoạt này mang đến sự gắn kết, thêm nhiều kỷ niệm đẹp cho đời học trò, bù đắp lại sự nhàm chán của một chương trình học nhiều bất cập và những đợt thi cử đầy áp lực của một môi trường học hành thiếu niềm vui. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng những “hội hè miên man” này mang lại sự tốn kém, đôi khi là quá sức đối với những gia đình khó khăn (nhưng không muốn con em mình lạc lõng và mặc cảm với bạn bè).
Áo tiến sĩ đâu mà lắm vậy!
Các bé rời trường mẫu giáo để vào cấp 1, nhà trường sẽ tổ chức buổi lễ ra trường thật hoành tráng. Phụ huynh vui vẻ khi thấy các tiến sĩ nhí xúng xính trong những bộ lễ phục dễ thương và nghĩ tới một tương lai xán lạn. Kết thúc cấp 1, lại vẫn với bộ áo tiến sĩ, các học sinh ở ngưỡng cửa dậy thì cũng được chụp những tấm ảnh kỷ niệm trong các buổi lễ trang trọng do nhà trường tổ chức. Lễ phục tiến sĩ sẽ còn trở lại với các em ở các buổi lễ tốt nghiệp cấp 2, cấp 3, và tốt nghiệp đại học.
Bộ lễ phục tiến sĩ sẽ đi theo hết cuộc đời học trò. Lại nghĩ một cách tích cực, nó nhắc người mặc về khát vọng trên đường học vấn. Nhưng cũng từ bộ lễ phục được khoác lên người ngay từ tấm bé – khi chưa biết mặt chữ cái, rồi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đời người học, người ta nhận ra sự kỳ vọng đỗ đạt mà nhà trường và gia đình đặt vào học sinh và con em của họ là quá lớn.
Có thể nói chiếc áo tiến sĩ và những buổi lễ nặng tính hình thức là biểu hiện rõ nhất của sự sính thành tích và áp lực bằng cấp trong xã hội mà người học buộc phải khoác lên.
Bệnh hình thức đã được gieo mầm từ chính trong nhà trường, khi người học chỉ mới bắt đầu làm quen với sự học. Rồi tiếp theo những lễ nghi hoành tráng đó là những đám tiệc kéo dài, ồn ã từ lớp học đến nhà hàng để mừng kết thúc năm học, mừng chuyển cấp, mừng tốt nghiệp, mừng ra trường…
Sự bất bình đẳng cũng nảy sinh từ các sinh hoạt hình thức này. Đã có những phụ huynh vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không theo kịp “trào lưu”. Có những học sinh gia đình nghèo phải chấp nhận bị bạn bè xa lánh vì quanh năm không đi dự sinh nhật, không tham gia vào các buổi vui chơi hội hè…
Chưa có con số thống kê hay điều tra xã hội học nào cho thấy các khoản chi phí cho hình thức, lễ lạt và hàng chuỗi những buổi hội hè mà phụ huynh phải chi trong một năm học, nhưng chắc chắn con số đó không hề nhỏ.
Học phí, phụ phí, cộng với tiền chi cho những tiệc tùng, lễ nghi đình đám tuy chỉ là “chuyện nhỏ” đối với những gia đình khá giả mới nổi, tư duy phú quý sinh lễ nghĩa…, nhưng chúng sẽ khiến những gia đình thu nhập thấp phải nghiến răng chịu đựng, đôi khi bất lực.
Phía sau sự hào nhoáng
Kết thúc một năm học, những bảng điểm, học bạ toàn điểm 10, đa số học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi; những buổi lễ tổng kết rộn ràng, những hình ảnh “đăng quang ra trường” đầy hoan hỉ. Lẽ thường khi nhìn vào đấy, chúng ta sẽ thấy mãn nguyện vì có vẻ như đâu có gì phải phàn nàn về môi trường giáo dục.
Con em chúng ta có những đêm prom, những dịp dã ngoại để chia tay bạn bè, để trưởng thành và bước vào đời, có vẻ như mọi thứ thật sành điệu, văn minh.
Nhưng liệu những khung cảnh lễ hội đó có khỏa lấp được một thực tế phía sau khi cả xã hội chật vật với cỗ máy giáo dục cồng kềnh và cọc cạch; chất lượng từ sách giáo khoa đến phương pháp dạy học có nhiều bất cập chưa thể tháo gỡ; phụ huynh phải lao đao chạy tiền học, chạy trường chạy lớp cho con em; học sinh không được trang bị những phẩm chất cần thiết để bước vào đời; xã hội gia tăng lo lắng vì đạo đức trong trường học xuống cấp và giáo dục nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển?
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phia-sau-nhung-hoi-he-mien-man/