Phía sau quyết định rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế của Nga
Dù Mỹ nói rằng 'ngạc nhiên' khi Nga công khai rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), đây là động thái đã được dự báo từ trước, và có thể thay đổi sứ mệnh không gian toàn cầu.
Nga thông báo sẽ rời Trạm Vũ trụ Quốc tế sau năm 2024 và phát triển một trạm vũ trụ của riêng mình. Đây không phải điều bất ngờ, khi Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) nhiều lần ngụ ý muốn kết thúc sự hợp tác kéo dài hơn hai thập niên với Mỹ. Song, điều này đã làm rạn nứt sự hợp tác quốc tế ngoài không gian, vốn ít chịu ảnh hưởng do các biến động chính trị "dưới mặt đất".
Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kéo dài hoạt động của ISS đến năm 2030. Giờ đây, Mỹ phải chuẩn bị cho những năm tháng không có sự hỗ trợ từ đối tác lớn nhất trên ISS.
Đây không phải điều bất khả thi, nhưng sẽ rất khó khăn. Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) và Roscosmos mỗi bên đang nắm giữ những công nghệ quan trọng để vận hành ISS. Chẳng hạn Nga đang kiểm soát hệ thống đẩy, giúp giữ ISS cân bằng và ngăn trạm vũ trụ rơi khỏi quỹ đạo. Không có sự giúp đỡ từ Moscow, những công nghệ này phải trao lại cho NASA hoặc bị thay thế.
ISS sẽ không chịu tác động ngay lập tức, khi Giám đốc Roscosmos Yuri Borisov khẳng định sẽ tuân thủ các nghĩa vụ cho đến năm 2024. Ngoài ra, trạm vũ trụ này cũng đang bước vào những năm cuối hoạt động, khi Mỹ và nhiều nước dần phát triển các trạm vũ trụ mới.
Chính trị vượt ngoài không gian
Nga và Mỹ lần đầu vận hành trạm không gian từ năm 1998, như một kỳ tích hợp tác quan trọng sau nhiều thập niên chạy đua không gian trong Chiến tranh Lạnh. Kể từ đó, ISS là nơi các phi hành gia trên thế giới cùng nhau nghiên cứu nhằm đưa nhân loại tiến xa vào không gian. Canada, Nhật Bản, cùng 11 nước châu Âu cũng hỗ trợ các hoạt động của ISS.
Tuy nhiên, hợp tác trên ISS lung lay khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Moscow đã gây sức ép buộc Washington công nhận Crimea là một phần của Nga, khi Roscosmos đề nghị chuyển địa điểm đào tạo phi hành gia sang bán đảo này.
Điều này bị Mỹ xem là mối đe dọa nghiêm trọng, vì các phi hành gia của NASA cần đào tạo để dùng tên lửa đẩy Soyuz - phương tiện duy nhất để lên ISS khi đó. Sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea, Roscosmos ngụ ý sẽ không vận chuyển phi hành gia của NASA lên ISS.
“Có cảm giác như ISS dần trở thành con bài mặc cả trong quan hệ giữa Mỹ và Nga”, theo giáo sư Wendy Whitman Cobb tại Trường Nghiên cứu Vũ trụ thuộc Không quân Mỹ.
Thời thế thay đổi
Tin tốt với Washington là Mỹ không còn phụ thuộc vào Rosmoscos để đưa người lên ISS. Công ty hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã bắt đầu đưa phi hành gia NASA lên trạm vũ trụ từ năm 2020. Tuy vậy, điều lo ngại là Moscow nhiều lần đánh tiếng không cam kết tương lai lâu dài với ISS.
Năm 2021, Nga từng dọa sẽ rút khỏi hợp tác không gian do những lệnh trừng phạt của Mỹ. Tháng 11/2021, Moscow dùng tên lửa chống vệ tinh phá hủy một vệ tinh do thám làm hàng nghìn mảnh vụn trôi nổi ngoài vũ trụ, khiến nhiều quan chức Mỹ lo ngại có thể gây hại cho ISS.
Mọi chuyện nghiêm trọng hơn vào tháng 2, khi cựu Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin cảnh báo ISS thể rơi xuống Trái Đất do các lệnh cấm vận của phương Tây. Một tháng sau đó, Moscow thông báo ngừng hợp tác khoa học với Đức trên ISS, cũng như ngừng bán động cơ tên lửa cho Mỹ, thứ mà trước đây NASA rất cần.
Bất chấp căng thẳng Nga - Mỹ về xung đột ở Ukraine, NASA thời gian qua vẫn cố gắng khiến mọi hoạt động tại ISS trông có vẻ bình thường. Cơ quan này cập nhật những thử nghiệm trên ISS, thậm chí quảng bá về dự án đưa phi hành đoàn tư nhân đầu tiên lên trạm vũ trụ hồi tháng 4.
Nhưng phía sau đó, Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho một kịch bản vận hành ISS không có Nga. Công ty công nghệ vũ trụ và quốc phòng Northrop Grumman muốn hỗ trợ chế tạo tên lửa đẩy để thay thế Soyuz của Nga, cũng như tỷ phú Elon Musk nói rằng SpaceX có thể góp sức.
ISS có thể hoạt động thêm vài năm mà không có Moscow, song bản thân trạm vũ trụ này cũng không còn tồn tại lâu. NASA có kế hoạch cho ISS “nghỉ hưu” vào năm 2030, dọn đường cho những trạm vũ trụ mới. Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ đều có kế hoạch phát triển trạm vũ trụ cho riêng mình
Hướng đi của Moscow
Đến lúc này, các kế hoạch không gian ngắn hạn của Nga vẫn chưa bị ảnh hưởng do xung đột tại Ukraine, nhưng sẽ có những thay đổi trong các chương trình hợp tác.
Quan hệ đi xuống giữa Nga và châu Âu đã tác động đến hợp tác không gian của hai bên. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hồi tháng 2 tuyên bố tuân thủ các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Để đáp lại, Roscosmos đã hoãn lịch phóng một số vệ tinh của châu Âu có sử dụng tên lửa đẩy Soyuz.
Mặc dù Roscosmos trước đây có kế hoạch đưa robot lên Sao Hỏa vào năm nay cùng với ESA, những biến động chính trị và căng thẳng khiến kế hoạch này “rất khó xảy ra”, theo lời các quan chức.
Ngoài ra, Nga cũng từ chối phóng vệ tinh của công ty viễn thông OneWeb của Anh, ra điều kiện chỉ tiếp tục nếu chính phủ Anh bán cổ phần sở hữu OneWeb và cam kết không dùng vệ tinh cho mục đích quân sự. Công ty này sau đó thông báo sẽ thuê SpaceX để thực hiện vụ phóng.
Những động thái của Nga khiến giới chuyên gia dự đoán Moscow sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong các sứ mệnh không gian. Những năm qua, Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc (CMSA) đã hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều khía cạnh, bao gồm nỗ lực xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng. Nga cũng hỗ trợ CMSA hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung.
Việc CMSA hợp tác với Roscosmos thay vì NASA không có gì bất ngờ. Luật của Mỹ năm 2011 đã cấm NASA hợp tác với cơ quan vũ trụ Trung Quốc, và chưa từng có phi hành gia Trung Quốc nào từng đến ISS. Điều này càng tạo động lực để Bắc Kinh thúc đẩy phát triển chương trình không gian cho riêng mình.
Hiện chưa rõ các căng thẳng quốc tế sẽ tác động đến Nga ở mức nào và có ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành trạm không gian vào năm 2025 hay không. Tuy vậy, vẫn có một kịch bản Roscosmos sẽ hòa giải với NASA, dù khá mong manh. Trước đây, Mỹ và Liên Xô từng cố gắng hợp tác với nhau về không gian dù trong những năm tháng căng thẳng của Chiến tranh Lạnh.