Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đại biểu Hà Tĩnh nêu vướng mắc thực hiện phí giám định tư pháp

Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ băn khoăn về việc các bộ, ngành chưa có hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp về định mức chi phí giám định tư pháp trong các lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự.

 Hoạt động vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Hoạt động vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Chiều 21/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai (tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát).

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh và lãnh đạo các sở, ngành cùng dự.

 Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Các bộ trưởng trả lời rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Sáng nay (21/8), 3 tư lệnh ngành: Công thương, NN&PTNT, VH-TT&DL đăng đàn trả lời chất vấn về các lĩnh vực phụ trách. Do còn nội dung chuyển tiếp nên mở đầu phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi về giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển du lịch xanh; kiểm soát, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nông thủy sản; nghiên cứu sản xuất giống cây trồng và vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu...

Các băn khoăn, vướng mắc của đại biểu đã được các bộ trưởng giải đáp cụ thể. Đánh giá về phiên chất vấn nhóm lĩnh vực thứ nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Đã có 30 đại biểu tham gia chất vấn và 6 đại biểu tranh luận trực tiếp, 11 đại biểu có câu hỏi chất vấn nhưng do hết thời gian nên đề nghị gửi bằng văn bản. Một số băn khoăn của đại biểu chưa được làm rõ tại phiên chất vấn sẽ được trả lời bằng văn bản.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: quochoi.vn

Nhìn chung, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn. Các câu hỏi của đại biểu bám sát các nội dung chất vấn. Các bộ trưởng đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Các bộ trưởng đã triển khai thực hiện các nghị quyết của UBTVQH và đề xuất các giải pháp khắc phục. UBTVQH cũng sẽ ban hành nghị quyết về các nội dung chất vấn của Chính phủ và các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện.

 Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Tiếp đó, đại biểu đã tiến hành chất vấn các bộ trưởng đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm 6 lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; ANTT, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Đại biểu "xoay" tư lệnh ngành về nhóm lĩnh vực nội chính

Liên quan đến lĩnh vực nội vụ, đại biểu đề nghị làm rõ việc giải quyết cán bộ dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính; thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, vấn đề về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019- 2021 đã được giải quyết khá cơ bản. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn khó khăn. Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn 2023-2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thời gian tới, các địa phương cần tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư.

Đối với lĩnh vực tư pháp, các câu hỏi đề nghị đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác giám định tư pháp (chi phí giám định), khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật;có tình trạng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật hay không...

Trả lời câu hỏi của đại biểu về chi phí giám định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, Bộ Tư pháp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá. TAND tối cao đang trình pháp lệnh về chi phí tố tụng, trong đó có xử lý một phần vấn đề giám định tư pháp trình UBTVQH xem xét, thông qua.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh gửi thắc mắc tới Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

 Đại biểu Trần Đình Gia đặt câu hỏi liên quan đến phí giám định tư pháp.

Đại biểu Trần Đình Gia đặt câu hỏi liên quan đến phí giám định tư pháp.

Đại biểu cho rằng, Luật Phí và lệ phí năm 2015 không còn quy định về phí giám định tư pháp mà thực hiện theo Luật Giám định tư pháp về chi phí giám định tư pháp. Các thông tư của Bộ trưởng Tài chính liên quan đến phí giám định tư pháp đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, đến nay, các bộ, ngành vẫn chưa có hướng dẫn Luật Giám định tư pháp về định mức chi phí giám định tư pháp trong các lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự. Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cho biết bao giờ có văn bản hướng dẫn để các địa phương tháo gỡ...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, nội dung kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung vào thẩm quyền ban hành, tính hợp pháp, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo.

Phó Thủ tướng cũng đã đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới như cần quy định rõ hơn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng đã giải trình các câu hỏi của đại biểu xung quanh các nội dung ban hành văn bản quy định chi tiết, tình trạng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, luật đã có hiệu lực nhưng chưa được thực thi...

 Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.

Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.

Tại phiên chất vấn chiều nay, Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã giải đáp việc khắc phục những bất cập trong vi phạm của cá nhân, cơ sở về quy định phòng cháy chữa cháy; việc ứng dụng VNeID trong giao dịch hành chính; đấu tranh phòng chống tội phạm trên không gian mạng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu giải phápthống nhất hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; khắc phục tình trạng sót văn bản trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo;tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát...

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn về chuyển biến trong việc tỷ lệ yêu cầu trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sáng mai (22/8), hoạt động chất vấn của UBTVQH sẽ bước vào phiên làm việc cuối cùng với phần chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ 2; nghe Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và tiến hành bế mạc.

Thùy Dương

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/phien-chat-van-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-dai-bieu-ha-tinh-neu-vuong-mac-thuc-hien-phi-giam-dinh-tu-phap-post272238.html