Phiên chất vấn và những điểm nhấn đáng chú ý

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành một ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Cụ thể là các Nghị quyết về chất vấn tại các phiên họp thứ 9, 14, 21, 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tương ứng với 2 nhóm lĩnh vực, gồm: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch; an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tòa án, kiểm sát; tư pháp và thanh tra).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Nội dung các chất vấn tập trung vào các chủ đề, như: Tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo… Chỉ tính riêng những nội dung cụ thể đã có tới 49 vấn đề thuộc các lĩnh vực và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong bài viết, xin được đề cập một vài điểm nhấn đáng chú ý được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi.

Thứ nhất, đó là trong thời đại công nghiệp 4.0 nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Không phải ngẫu nhiên trong tổng số các chất vấn của nhóm lĩnh vực đầu tiên (gồm 3 lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch), thì nông nghiệp chiếm gần một nửa số chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bởi, nông nghiệp đã chuyển vai trò lên một cấp độ cao hơn.

Những năm 80 của thế kỷ XX khi lương thực, thực phẩm còn thiếu thốn, mỗi năm cả nước phải nhập 80 vạn tấn bột mì, gạo, ngô nên nông nghiệp được phong là mặt trận hàng đầu để thúc đẩy ngành này nhanh chóng đi lên, bảo đảm nhu cầu sản phẩm tiêu dùng trong nước. Sang thế kỷ XXI, từ thập niên thứ hai, hàng năm cả nước đã sản xuất ra trên 43 triệu tấn lương thực, chẳng những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến làm thức ăn chăn nuôi mà còn xuất khẩu với khối lượng lớn.

Theo các tài liệu phục vụ phiên chất vấn thì năm 2023, chỉ riêng gạo, chúng ta đã xuất khẩu tới 8,1 triệu tấn, thu về hơn 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022. Trong những năm đại dịch Covid-19 (2020 - 2023), nông nghiệp, nông thôn chính là nơi xử lý những khó khăn nhiều mặt phát sinh do đại dịch gây ra (dung nạp lao động mất việc từ các doanh nghiệp trở về, tiếp tế nhu yếu phẩm gạo, rau, thịt, cá cho đô thị...).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn về việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 thuộc trách nhiệm của 3 lĩnh vực

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn về việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 thuộc trách nhiệm của 3 lĩnh vực

Bởi vậy, nông nghiệp, nông thôn đã trở thành trụ đỡ của toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Vai trò mới ở vị thế cao hơn này chắc chắn còn tồn tại lâu dài. Đó chính là lý do để các đại biểu dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất nhiều chất vấn. Đáng lưu ý là, trong các chất vấn có nhiều câu hỏi về biến đổi khí hậu (giải pháp khắc phục sạt lở bờ biển, bờ sông, sạt lở núi, đồi; giải pháp ngăn nước mặn xâm lấn đồng ruộng; giải quyết nước sản xuất và nước sạch cho sinh hoạt những vùng khô hạn như thế nào...). Nghĩa là, đại biểu không chỉ quan tâm đến sản xuất kinh doanh mà còn thật sự lo lắng cho việc ổn định cuộc sống của người dân nông thôn, nhất là sông nước, vùng sâu, vùng cao.

Thứ hai là vấn đề tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Xây dựng luật và thực thi pháp luật có khá nhiều vấn đề được đại biểu chất vấn, như: Vì sao có yêu cầu quá nhiều về sửa đổi luật, thậm chí luật chưa đến ngày có hiệu lực thi hành đã yêu cầu sửa đổi? Vì sao không ít dự thảo luật trình Quốc hội chất lượng không cao?... Nhưng nội dung được nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề xử lý tham nhũng, tiêu cực như thế nào trong công tác xây dựng pháp luật?

Thực ra, Đảng ta đã sớm nhìn nhận ra vấn đề này và đã chỉ đạo rất cụ thể trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Một việc cụ thể là, trước khi sửa đổi Luật Đất đai, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022, trong đó chỉ rõ: “Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước”. Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chỉ trong 7 năm (2013 - 2020), qua thanh tra cho thấy, mức độ thất thoát rất lớn, tới 80.886 tỷ đồng và 94.849 ha đất...

Còn thế nào là tham nhũng trong xây dựng pháp luật, thì tại một công trình nghiên cứu khoa học đã đưa ra khái niệm: “Tham nhũng trong xây dựng pháp luật là hành vi của người, nhóm người, tổ chức có chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt đông xây dựng pháp luật đã lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn đó để vụ lợi cho cá nhân, nhóm, tổ chức của mình”(1).

Trở lại với phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu, một số bộ trưởng, trưởng ngành đã phân tích, một đạo luật được Quốc hội quyết nghị thông qua là sản phẩm tập thể gồm nhiều công đoạn, mỗi công đoạn ứng với một cơ quan chịu trách nhiệm nên hiện nay rất khó phát hiện, rất khó quy trách nhiệm. Trong khi đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ trách nhiệm của mỗi chủ thể chịu trách nhiệm ở từng công đoạn. Bởi lập pháp là nhiệm vụ lâu dài, do đó cần sớm sửa đổi, bổ sung ngay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật nói chung, xử lý tham nhũng trong xây dựng pháp luật nói riêng, đặc biệt là khi đánh giá tác động của một dự án luật phải soi cho được có khả năng phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm hay không?

Thứ ba, thi hành án hành chính vẫn là vấn đề bức xúc.

Mặc dù kết quả cho thấy, năm sau số bản án hành chính được thi hành xong nhiều hơn năm trước, tức là có tiến bộ, song sự tiến bộ đó dường như chưa đủ lực để lay chuyển căn bản tình hình.

Năm 2023, trong tổng số 1.375 bản án hành chính phải thi hành, thì chỉ có 582 bản án đã được thi hành xong (tăng 153 vụ so với năm 2022), nhưng chỉ bằng 42,3% tổng số bản án phải thi hành. Còn quá nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ việc hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành xong. Trong đó có không ít bản án mà người thi hành là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Và đến nay cũng chưa có một trường hợp nào người thi hành án là người thuộc cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xem xét xử lý trách nhiệm do không chấp hành hay chấp hành không đúng, không đầy đủ nội dung bản án, nội dung quyết định của Tòa án. Mặc dù có nhiều vụ, việc Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án, Viện Kiểm sát đã có kiến nghị, cơ quan thi hành án dân sự đã nhiều lần đôn đốc, kiến nghị xem xét trách nhiệm...

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Từ tình hình thực tế đó, các chất vấn của đại biểu xoáy sâu vào yêu cầu đề xuất các giải pháp căn cơ, đột phá, hữu hiệu để làm xoay chuyển tình hình, bảo đảm hiệu lực của bản án cũng như tính tôn nghiêm của pháp luật, nâng cao uy tín của các cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự. Các bộ trưởng, trưởng ngành đã lý giải tình hình và trả lời đầy đủ các chất vấn của đại biểu. Tựu trung là phải sử dụng tổng hợp tất cả các giải pháp và công khai hóa tất cả các bản án. Trong các giải pháp thì quan trọng nhất là, nhất thiết phải bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính khi một bên trong vụ án là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.

Nếu vậy, thì “bài toán” nêu trên đã có “lời giải”. Vì tại Điều 4, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 34/2024/QH15 mới được Quốc hội thông qua ngày 24.6.2024 có quy định việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, trong đó có Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hành chính, và khoản 1 Điều 62 của Luật đã quy định khá cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án này. Cách quy định tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hành chính của Luật sẽ từng bước khắc phục được tình trạng lâu nay coi Tòa án này như một đơn vị chức năng thuộc đơn vị hành chính cùng cấp. Mong rằng, các cơ quan hữu trách ngay từ bây giờ bắt tay vào việc chuẩn bị mọi mặt để đến ngày Luật có hiệu lực, 1.1.2025, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hành chính sẽ ra đời và đi vào hoạt động có hiệu quả...

Đúng như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi phát biểu kết luận phiên chất vấn, đó là “các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội... Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp...”.

____________

(1) Xem sách “Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam” của Nguyễn Quốc Văn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2021.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/phien-chat-van-va-nhung-diem-nhan-dang-chu-y-i385488/