Giảm thiểu sử dụng hóa chất nguy hại

Ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi).

Trước khi khai mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái”, “lá lành, đùm lá rách” của dân tộc, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng của bão số 3.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày Tờ trình dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 89 điều và được bố cục thành 10 chương. Về thủ tục hành chính, dự thảo Luật quy định 12 nhóm thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính được nghiên cứu, xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Tuy nhiên, theo ông Huy, có ý kiến đề nghị cần có chính sách đầu tư thích đáng, có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm để phát triển công nghiệp hóa chất, tránh việc đầu tư tràn lan, gây lãng phí và không hiệu quả.

Tại Điều 7, Luật quy định các hành vi bị cấm gồm: Không công bố thông tin cần thiết, cung cấp thông tin không đầy đủ, thông tin sai lệch, che giấu thông tin về đặc tính nguy hiểm của hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, quy định này là cần thiết. Vì hóa chất độc hại nếu gặp sự cố bị phát tán, ảnh hưởng ra môi trường rất nghiêm trọng. Do đó, không cung cấp thông tin là không được, nhất là trong vận tải. “Trong vận tải cũng đã quy định rất chặt chẽ liên quan đến các hàng hóa thuộc hóa chất, phải có các tàu chuyên dụng để vận chuyển” - ông Cường nêu vấn đề.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH, cần phải có quy định rõ ràng đối với hóa chất độc hại nhưng lại được sử dụng trong chữa bệnh. Đơn cử, chất tạo nạc salbutamol dùng trong y tế rất ít nhưng trong chăn nuôi lại là chất tạo nạc, chất cấm.

“Trong trường hợp này, khi nhập khẩu chất salbutamol thì cơ quan nào sẽ quản lý, bởi với y tế thì là chất có tác dụng chữa bệnh, với ngành nông nghiệp lại là chất cấm trong chăn nuôi, trách nhiệm quy định sẽ như nào, thuộc về bộ nào?”-bà Hải đặt câu hỏi.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự thảo Luật cần phải tiếp tục rà soát, thể chế hóa chủ trương xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại, gây ô nhiễm nguồn nước đã nêu tại Kết luận số 36 của Bộ Chính trị; Kết luận số 81 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đối với vấn đề quản lý sử dụng hóa chất, cần khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến quy trình công nghệ, chuyển đổi sang các hóa chất ít nguy hại hơn, hoặc giảm thiểu sử dụng hóa chất nguy hại. Trong vấn đề này, cần tăng cường, kiểm soát truy xuất nguồn gốc hóa chất, nhất là các hóa chất nhập khẩu.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, tăng cường chế tài xử phạt đối với các vi phạm về hóa chất, áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hóa chất ngày càng được sử dụng nhiều trong đời sống xã hội, sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn với sức khỏe và môi trường cả trong ngắn hạn và dài hạn. Vì thế, không chỉ ở Việt Nam, các nước đều cho rằng, việc kiểm soát rủi ro hóa chất vẫn là một ẩn số và cũng là một thách thức lớn. Do đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến để thể hiện trong dự thảo Luật lần tiếp theo.

Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 37 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, UBTVQH, các cơ quan có liên quan quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tập trung cao độ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thể chế. Theo đó, hiện nay còn vướng mắc ở các bộ, ngành, sự điều hành chỉ đạo của Chính phủ để làm sao tập trung dồn sức cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nhất là trong tình hình khó khăn của đất nước hiện nay do bão, lũ, thiên tai, thiệt hại rất nặng nề sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của năm 2024 và một số năm tiếp theo. Bởi sau bão, lũ phải khắc phục các thiệt hại này rất nặng nề.

“Phải dồn sức cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương để lo. Cái gì khó khăn thuộc về thể chế, chỉ đạo điều hành thì phải tập trung tháo gỡ. Nhất là đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đảm bảo quốc phòng an ninh, cải cách hành chính, hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động về: thuế, y tế, giáo dục. Cái gì sửa ngay được thì sửa để đảm bảo yêu cầu cho phát triển” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giam-thieu-su-dung-hoa-chat-nguy-hai-10290182.html