Phiên chiều 10/12: Rơi điểm vì một nguyên nhân nào đó... chưa bộc lộ
Mọi chỉ số vĩ mô đều tốt, kết quả hoạt động doanh nghiệp khả quan, nhưng dường như có một lý do nào đó chưa bộc phát khiến thị trường liên tiếp mất điểm. 'Hàn thử biểu' nền kinh tế đang phát đi một tín hiệu?
Tất nhiên chưa thể nói Thị trường Chứng khoán Việt Nam là một hàn thử biểu của nền kinh tế xét cả ở quy mô thị trường, số lượng doanh nghiệp, và sự vận hành chưa hoàn hảo của thị trường. Nhưng nếu xét về sự rút lui của dòng tiền khiến thị trường liên tục rớt điểm, thì rất có thể đây là một tín hiệu, dù chưa đến mức "dự báo" về niềm tin đầu tư.
Với phiên chiều nay, tâm lý nhà đầu tư trở lên lo ngại khi áp lực bán gia tăng trở lại và có phần lan rộng. Gây ảnh hưởng lớn là VIC và VHM khi mức giảm giá của 2 mã lớn này là khá sâu, trong khi MSN vẫn chưa hồi phục đã khiến VN-Index có thời điểm đe dọa mốc 955 điểm. Lực cầu bắt đáy cộng với việc 2 cổ phiếu VIC và VHM nêu trên hãm được đà rơi trong phiên ATC khiến chỉ số không phục hồi sự hy vọng mong manh.
Một tín hiệu không tích cực phát đi ở phiên giữa tuần, sự hưng phấn của người hâm mộ với đội bóng U22 nước nhà (nếu vô địch SeaGame) tối nay, cũng chưa hẳn sẽ lan tỏa tới thị trường chứng khoán vào phiên sáng ngày mai.
Đóng cửa, sàn HOSE có 130 mã tăng và 204 mã giảm, VN-Index giảm 5,76 điểm (-0,60%), xuống 960,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 242,72 triệu đơn vị, giá trị 5.016,34 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng nhưng tăng nhẹ 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 72 triệu đơn vị, giá trị 1.736,3 tỷ đồng.
Khá nhiều bluechip đã nới rộng biên độ giảm trong phiêu chiều như GAS -1,9% xuống 97.900 đồng; SAB -1,2% xuống 233.100 đồng; NVL -2,7% xuống 55.200 đồng; CTD -2,5% xuống 62.800 đồng; ROS -2% xuống 24.000 đồng; SSI -2% xuống 19.200 đồng; và MSN giảm sâu nhất khi mất 6,5% xuống 56.600 đồng…cùng nhiều mã khác chìm trong sắc đỏ như VRE, VJC, GMD, SBT…
Nhóm ngân hàng ngoài VCB đứng vững +0,2% lên 85.400 đồng và STB +1% lên 10.050 đồng, thì đồng loạt giảm với BID -0,3% xuống 39.900 đồng; TCB -1,8% xuống 22.400 đồng; CTG -0,5% xuống 20.050 đồng; MBB -1,6% xuống 21.100 đồng; VPB -1,8% xuống 19.050 đồng; HDB -1,1% xuống 27.700 đồng; EIB -0,6% xuống 16.700 đồng; TPB -1,4% xuống 21.200 đồng…
Hỗ trợ thị trường tốt nhất là BVH, khi +3% lên 67.700 đồng, trong khi HPG gặp áp lực chốt lời và thu hẹp đà tăng, đóng cửa chỉ còn +0,8% lên 24.400 đồng, cùng một vài sắc xanh nhạt tại VNM, FPT, MWG, PNJ, trong khi đó VIC hồi về tham chiếu 115.900 đồng.
Về thanh khoản, ROS vẫn chiếm phần lớn với khối lượng khớp lệnh gần 33 triệu đơn vị. Tiếp theo là HPG với hơn 10,1 triệu đơn vị. Nhóm các mã ngân hàng HDB, STB, CTG, MBB hay VRE, MSN, VHM khớp từ 1 triệu đến 4,7 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường đáng chú ý có sắc tím tại FIT, TSC và TGG, cùng các cổ phiếu tăng AMD, HAI, DLG, KBC, HAG.., với AMD thanh khoản tốt nhất với hơn 5,57 triệu đơn vị khớp lệnh.
TTB tiếp tục được kéo mạnh trong phiên chiều, kết phiên tăng tới 5,1% lên 5.740 đồng, khớp hơn 4,26 triệu đơn vị.
Trên bảng điện tử, còn có một số cổ phiếu thu hút nhà đầu tư là PGD +6,7% lên 50.900 đồng; TMS +5,6% lên 28.200 đồng; SFC +5,6% lên 22.800 đồng; C32 +5,1% lên 20.500 đồng; GTN +3% lên 22.600 đồng...AST -4% xuống 86.300 đồng; GDT -4,7% xuống 30.700 đồng; DPG -2,8% xuống 43.300 đồng...
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng nới biên độ giảm sau giờ nghỉ trưa, nhưng cũng tương tự trên HOSE, khi chỉ số có nhịp nảy trở lại về những phút cuối, đóng cửa gần như số điểm đã mất khi kết phiên sáng.
Mặc dù vậy, nhìn chung giao dịch vẫn tiêu cực với ACB -0,4% xuống 22.800 đồng; VCS -0,6% xuống 79.000 đồng; PVS -1,2% xuống 17.000 đồng; SHB -1,6% xuống 6.000 đồng; PVI -1,3% xuống 31.200 đồng; CEO -1,1% xuống 8.800 đồng; MBS -2,6% xuống 15.000 đồng; SHS -2,6% xuống 7.600 đồng; PLC vẫn nằm ở mức giá sàn 11.400 đồng.
Trái lại, NVB +2,2% lên 9.400 đồng; DGC +1,1% lên 28.900 đồng; VCG +0,4% lên 27.200 đồng; MBG đảo chiều tăng mạnh +8,1% lên 32.200 đồng; AMV +2,6% lên 24.000 đồng.
Nhóm cổ phiếu nhỏ MST mất điểm, DST tăng kịch trần, trong khi HUT, ART, KLF đứng tham chiếu.
Thanh khoản NVB dẫn đầu sàn với hơn 1,81 triệu đơn vị khớp lệnh. Nhóm PVS, ART, SHB, HUT, MST có từ 1 triệu đến 1,58 triệu đơn vị.
Đóng cửa, sàn HNX có 25 mã tăng và 41 mã giảm, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,31%), xuống 102,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,5 triệu đơn vị, giá trị 154,36 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận có thêm 14,22 triệu đơn vị, giá trị 232,6 tỷ đồng.
Trên UpCoM, đà giảm của UpCoM-Index chưa dừng sau khi lao dốc trong phiên sáng và tiếp tục chạm đi xuống.
Cổ phiếu hỗ trợ phiên sáng là OIL đã về lại tham chiếu tại 9.200 đồng, khớp lệnh cao nhất với hơn 2 triệu đơn vị. Phần còn lại ngoài HND, MPC, VTD, VGT tăng điểm thì đồng loạt giảm.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,43 điểm (-0,77%), xuống 55,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 6,87 triệu đơn vị, giá trị 101,05 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,48 triệu đơn vị, giá trị 59,2 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó VN30F1912 giảm 0,25% xuống 877 điểm, với 92.670 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 20.276 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, chỉ còn 15 mã tăng, trong khi có tới 25 mã giảm. Trong đó, thanh khoản cao nhất là CVNM1901 với hơn 1,47 triệu đơn vị.
Thị trường phát đi tín hiệu xấu, nhưng nếu nhìn một cách tích cực thì có xuống thì mới có lên. Nhưng hãy quên thị trường đi đã, 19h tối nay, đón xem: "Việt Nam vô địch"! Nếu đi bão, hay tuân thủ luật Giao thông đường bộ, hành xử đúng mực, văn minh!