Phiên đầu tuần 11/3, giá vàng neo gần mức cao kỷ lục
Giá vàng tăng trong sáng 11/3 và dao động gần mức đỉnh kỷ lục trong phiên trước đó, khi một loạt số liệu và nhận xét từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hồi tuần trước đã củng cố hy vọng về một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.181,27 USD/ounce vào lúc 8 giờ 34 phút (giờ Việt Nam), không quá xa mức đỉnh 2.194,99 USD/ounce đạt được vào thứ Sáu tuần trước (8/3).
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,1% lên 2.188,20 USD/ounce.
Theo báo cáo mới nhất, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng 275.000 vị trí trong tháng 2/2024, cao hơn kỳ vọng 250.000 vị trí của các nhà kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 3,9% trong tháng 2 sau khi giữ ở mức 3,7% trong ba tháng liên tiếp.
Giới quan sát chỉ ra rằng Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell có vẻ tự tin hơn về việc cắt giảm lãi suất trong những tháng tới trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi tuần trước.
Báo cáo lạm phát giá tiêu dùng tháng 2/2024 dự kiến được công bố vào thứ Ba tuần này (12/3). Đây sẽ là số liệu kinh tế lớn tiếp theo của Mỹ cung cấp manh mối mới về triển vọng chính sách của Fed.
Giới giao dịch đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ có 3 đến 4 đợt giảm lãi suất, mỗi đợt 25 điểm cơ bản trong năm nay. Hiện Fed có 75% khả năng tiến hành đợt đầu tiên vào tháng 6/2024.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng .
SPDR Gold Trust GLD, quỹ giao dịch trao đổi vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do họ nắm giữ đã giảm 0,18% từ mức 816,57 tấn hôm 7/3 xuống 815,13 tấn vào ngày 8/3.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạch kim giao ngay tăng 0,1% lên 913,59 USD/ounce. Giá bạc cũng tăng 0,2% lên 24,35 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 10 giờ sáng 11/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 80,0 - 82,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á tiếp tục đà đi xuống của tuần trước
Giá dầu phiên 11/3 tiếp tục đà đi xuống trong tuần trước, do lo ngại nhu cầu của Trung Quốc thấp, dù những rủi ro địa chính trị xung quanh tình hình Trung Đông và Nga đã hạn chế mức giảm.
Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 48 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 81,6 USD/thùng vào lúc 8 giờ 29 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 50 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 77,51 USD/thùng.
Cả hai loại dầu đều giảm trong tuần trước, với dầu Brent giảm 1,8% và dầu WTI giảm 2,5%.
Trong tuần trước, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 ở khoảng 5%, mức mà nhiều nhà phân tích cho là tham vọng nếu nước này không tăng cường các biện pháp kích thích.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới, trong hai tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn trong các tháng trước.
Về phía nguồn cung, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm OPEC+, đầu tháng này đã nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý II/2024.
Căng thẳng cũng leo thang tại Nga và các nước láng giềng, gây lo ngại về nguy cơ gia tăng xung đột bên ngoài Ukraine.