Phiên họp đầu tiên của chính quyền TP HCM sau khi hợp nhất 3 địa phương
Phiên họp cũng là dịp đánh giá hoạt động của 168 phường, xã, đặc khu của TP HCM trong những ngày đầu vận hành theo thiết chế mới
Ngày 4-7, UBND TP HCM tổ chức phiên họp thường kỳ nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được chủ trì phiên họp.
Đây là phiên họp thường kỳ đầu tiên của UBND TP HCM sau khi hợp nhất 3 địa phương: TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương, hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được chủ trì phiên họp
Phát biểu định hướng phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh mục tiêu đánh giá toàn diện những việc đã làm được, tồn tại, hạn chế và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để hoàn thành nghị quyết, kế hoạch của năm 2025. Đồng thời, phiên họp cũng là dịp đánh giá hoạt động của 168 phường, xã, đặc khu mới trên địa bàn TP HCM trong những ngày đầu vận hành theo thiết chế mới.
"Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sau 3 ngày vận hành, có trơn tru không, có gì vướng mắc không? Tỉ lệ người dân đến thực hiện thủ tục hành chính có tăng hay giảm? Thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ra sao?" – Chủ tịch UBND TP HCM đặt vấn đề.
Ông cũng lưu ý Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM bảo đảm đường truyền, phần mềm phục vụ hoạt động của 168 phường, xã, đặc khu; xử lý tốt các thủ tục liên quan đến hồ sơ phi địa giới theo chỉ đạo của Trung ương trong bối cảnh hợp nhất 3 địa phương.
Về kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm, thành phố mới đạt mức tăng trưởng khá so với mặt bằng chung của cả 3 địa phương, ước khoảng 7,4%, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả nước.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới. "Đây là mức tăng trưởng khi Mỹ chưa áp thuế mới. Tối qua, Tổng thống Donald Trump đã điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm và kết quả là mức thuế khoảng 20% áp cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ; còn nếu là hàng quá cảnh sang Việt Nam thì bị áp mức 40%. Khi chính sách này có hiệu lực, chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sản xuất của chúng ta" – Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Do đó, ông đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển, Cục Thống kê và các chuyên gia, doanh nghiệp sớm đánh giá tác động của chính sách thuế này đối với GRDP trong quý II và quý III, xem xét khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đã giao.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Được cho biết sau khi hợp nhất 3 địa phương, công tác quy hoạch của thành phố cần được nhìn nhận trên một góc độ mới – không còn là từng địa phương riêng lẻ mà là một chỉnh thể với dư địa, tầm nhìn chiến lược và sự phân công phát triển mới.
Từ đó, các giải pháp cho từng địa phương sẽ khác nhau, nguồn lực đầu tư cũng sẽ được phân bổ lại cho phù hợp. Cần điều chỉnh, cập nhật và làm mới quy hoạch tổng thể của thành phố trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế từng địa phương, đồng thời cắt gọt những phần giao thoa, chồng lấn trước đây.
Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh 3 địa phương giờ đây sẽ bổ sung, hỗ trợ nhau để phát huy lợi thế tổng thể – bởi đây đều là những địa phương nổi bật nhất cả nước và khu vực phía Nam, đáp ứng kỳ vọng lớn của Trung ương.
Hướng tới Đại hội Đảng, lãnh đạo UBND TP HCM kêu gọi toàn hệ thống chính quyền thi đua 100 ngày lập thành tích chào mừng Đại hội. Mỗi ngành, mỗi địa phương phải cụ thể hóa nhiệm vụ của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, UBND TP HCM cũng đang chỉ đạo các ngành xây dựng văn kiện Đại hội, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên như: đầu tư công, phát triển trung tâm tài chính, hệ thống cảng biển…
TP HCM giải quyết chế độ cho hơn 2.000 cán bộ, công chức nghỉ việc do sắp xếp bộ máy
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thị Thanh Hiền cho biết ngày 1-7-2025, TP HCM đã hoàn thành công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, 168 phường, xã, đặc khu đã tổ chức kỳ họp HĐND lần thứ nhất để thành lập các cơ quan chuyên môn trực thuộc, bổ nhiệm lãnh đạo các phòng ban chuyên môn, chỉ định Ủy viên UBND phường, xã, đặc khu, qua đó kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền, bảo đảm hoạt động hiệu quả.
HĐND TP HCM đã tổ chức kỳ họp để kiện toàn, thành lập 4 Ban của HĐND; thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố; đồng thời thông qua nghị quyết thành lập các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố. Thường trực HĐND TP HCM chỉ định Ủy viên UBND thành phố nhiệm kỳ 2021–2026.
Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các quy định của Chính phủ, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Cụ thể, đến ngày 30-6, TP HCM có 2.081 người nghỉ việc theo chính sách quy định tại Nghị định 178, với tổng kinh phí hỗ trợ là 773 tỉ đồng.
TP HCM đã hoàn thành tốt giai đoạn 1 của Đề án tổng thể sắp xếp cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, thành phố. Thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu UBND thành phố triển khai giai đoạn 2, tập trung sắp xếp các cơ quan chuyên môn còn lại và các đơn vị hành chính cấp xã.