Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải
Chiều 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT) với 45 điểm cầu các tỉnh, Thành phố bàn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch; lãnh đạo các sở: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh.
Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại 45 tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau Phiên họp thứ 10, Ban Chỉ đạo tổ chức nhiều chuyến công tác, kiểm tra hiện trường, nắm tiến độ triển khai các dự án. Các bộ, ngành, địa phương vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ, trình Quốc hội xem xét việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa; khai thác mỏ vật kiệu, thí nghiệm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy thi công; thẩm định hồ sơ thiết kế di dời đường điện; tích cực giải quyết thủ tục liên quan đến vốn vay vốn. Đến nay, toàn quốc đã hoàn thành đưa vào khai thác cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt vào ngày 28/4/2024, nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 2.000 km. Tuy nhiên, một số dự án vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung bàn, đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, vướng mắc liên quan đến thiếu vật liệu xây dựng thông thường; thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; vướng mắc liên quan đến điều kiện ràng buộc nhà thầu của Hiệp định vay. Việc di dời hệ thống đường điện cao thế chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu, nhất là các khu vực cần xử lý nền đất yếu. Một số dự án vướng mắc liên quan đến áp dụng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tại Cao Bằng, hiện nay, UBND tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ và giải trình làm rõ các ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án khoảng 217,67 ha/572,77 ha tổng diện tích cần thu hồi (tương ứng 42,16 km/93,35 km). Trong đó, tỉnh Cao Bằng bàn giao khoảng 207,67 ha/260,76 ha tổng diện tích cần thu hồi (tương ứng 38,46 km/41,5 km); tỉnh Lạng Sơn bàn giao khoảng 10 ha/ 312,01 ha tổng diện tích cần thu hồi (tương ứng 3,7 km/51,85 km). Doanh nghiệp dự án chỉ đạo các đơn vị thi công dọn dẹp mặt bằng đối với những đoạn tuyến đã được bàn giao.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát công việc, đánh giá tình hình, chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân, nhất là trong công tác GPMB, nguyên vật liệu, cấp vốn; chỉ rõ vướng mắc ở đâu, khâu nào, trách nhiệm của ai; đồng thời đề xuất giải pháp giải quyết. Các địa phương sớm kiện toàn Ban GPMB cấp tỉnh, phát huy vai trò lãnh chỉ đạo tập trung làm tốt công tác giải GPMB; kịp thời giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các dự án; giải quyết vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Chủ tịch UBND các tỉnh, Thành phố chủ động rà soát lại, sớm hoàn thiện các thủ tục cho dự án. Các nhà thầu triển khai thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình theo đúng cam kết. Các Bộ, ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện hệ thống định mức; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường ô tô cao tốc, rà soát kết nối đường cao tốc… Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các dự án được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, bảo đảm môi trường, chống tham nhũng, tiêu cực…