Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực nội chính

BHG - Chiều 21.8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực: Tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát. Phiên chất vấn kết nối trực tuyến với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chủ trì tại điểm cầu của tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo HĐND tỉnh, một số sở, ngành.

Đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chất vấn về giải pháp hạn chế chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chất vấn về giải pháp hạn chế chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Tại phiên chất vấn, các ĐBQH đã chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong các nội dung: Việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua, giải pháp khắc phục khó khăn sau sắp xếp đơn vị hành chính; khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật; tháo gỡ khó khăn trong công tác giám định tư pháp; giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án đảm bảo trong tố tụng, xét xử và chấp hành nghiêm thời hạn tố tụng; việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; công tác đảm bảo trật tự đô thị; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; khắc phục những vụ việc tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành án; việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát; giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề vi phạm pháp luật về môi trường...

Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chất vấn về mức chi bồi dưỡng phiên tòa cho Hội thẩm nhân dân hiện nay quá thấp.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chất vấn về mức chi bồi dưỡng phiên tòa cho Hội thẩm nhân dân hiện nay quá thấp.

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang cho biết, trong Báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ ra có 22 lĩnh vực trọng tâm được kiểm soát thì có 18 lĩnh vực chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, vướng mắc. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định và xem việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, rõ ràng là một trong những nguyên tắc cơ bản mà cơ quan và người làm công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ tư pháp cho biết giải pháp để hạn chế triệt để vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập và vấn đề lấy ý kiến xây dựng luật?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết rà soát pháp luật là một nội dung được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản các Bộ, ngành, các chủ thể ban hành pháp luật có trách nhiệm tự mình rà soát sau khi ban hành văn bản, công tác này được thực hiện định kỳ và là trách nhiệm thường xuyên. Trong một số trường hợp sẽ có những rà soát ở tầng, mức khác nhau, có thể là tổng rà soát hoặc rà soát theo các chuyên đề. Thực tế có thể khẳng định, trong năm 2023, 2024 công tác rà soát pháp luật được thực hiện tương đối tốt. Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ cùng với UBTVQH thực hiện rà soát trong 22 lĩnh vực. Sau đó, Chính phủ đã có Báo cáo trình Quốc hội. Chính phủ giao Bộ Tư pháp rà soát một số chuyên đề trong một số lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát. Như vậy trong suốt 2 năm vừa qua có rất nhiều hoạt động rà soát được tiến hành một cách tích cực và khẩn trương.

Kết quả rà soát gần 600 văn bản ở các loại khác nhau đã phát hiện một số vấn đề, từ đó Chính phủ đề xuất phương án đối với những văn bản nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì sửa ở tầm đó và phải đảm bảo chất lượng. Tính đến giữa tháng 8.2024, đã có 86 nội dung được phát hiện liên quan đến các luật, văn bản thuộc thẩm thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được xử lý. Ban chỉ đạo rà soát cũng xác định rõ các vấn đề và báo cáo Quốc hội để tới đây đề xuất sửa đổi một số luật trên cơ sở kết quả của tổ rà soát.

Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang nêu: Thời gian qua, nhiều vụ việc, vụ án được Tòa án Nhân dân cấp tỉnh chuyển đến Tòa án Nhân dân tối cao xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi quá lâu hoặc không có văn bản trả lời đã gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay mức chi bồi dưỡng phiên tòa cho Hội thẩm nhân dân là 90.000đ đồng, như vậy là quá thấp và không còn phù hợp với thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao cho biết giải pháp để khắc phục hai vấn đề trên?

Trả lời đại biểu Hoàng Ngọc Định, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Nguyên tắc hoạt động của Tòa án là độc lập. Các cấp xét xử chịu trách nhiệm về việc đưa ra phán quyết của mình, việc xin ý kiến Tòa án Tối cao chỉ là tham khảo, trả lời của Tòa án tối cao chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không phải định hướng xét xử vụ án. Việc tuân thủ thời hạn tố tụng thuộc các hội đồng xét xử. Về tiền bồi dưỡng cho hội thẩm nhân dân, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đây là Nghị định của Chính phủ, trong thời gian tới, dự kiến UBTVQH sẽ có quy định về Chi phí tố tụng.

Nhìn chung, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng; các câu hỏi của các ĐBQH bám sát các nội dung chất vấn. UBTVQH đánh giá cao các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề mà ĐBQH quan tâm; giải trình khá đầy đủ về các vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của các Bộ trưởng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của UBTVQH và đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách.

Tin, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202408/phien-hop-thu-36-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-chat-van-va-tra-loi-chat-van-nhom-linh-vuc-noi-chinh-4e17910/