PHIÊN HỌP THỨ HAI BAN SOẠN THẢO NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC TỔ CHỨC TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Sáng 15/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo Phiên họp thứ Hai, Ban soạn thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Tham dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban soạn thảo; các thành viên Ban soạn thảo.
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, theo chương trình, dự thảo Nghị quyết sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9/2024. Do thời gian không còn nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ban soạn thảo cho ý kiến về hồ sơ dự thảo Nghị quyết liên tịch theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật?; dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật?, có chồng chéo với các luật và Nghị quyết khác hay không; cho ý kiến vào bố cục của dự thảo Nghị quyết...
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các thành viên Ban soạn thảo cho ý kiến cụ thể về nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết như nguyên tắc tiếp xúc cử tri; thủ tục tiếp xúc cử tri; trách nhiệm của các cơ quan trong hướng dẫn, tổ chức tiếp xúc cử tri; tiếp xúc cử tri trực tuyến; tiếp xúc cử tri kết hợp trực tuyến và trực tiếp; tiếp xúc cử tri trong tình hình thiên tai dịch bệnh, tình huống bất khả kháng; tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri…
Dự thảo Nghị quyết kế thừa quy định của Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 – ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Nghị quyết số 525) về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và bổ sung thêm 7 nội dung mới, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ban soạn thảo cần gom lại những vấn đề cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là những vấn đề trọng tâm, những vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên soạn thảo cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và cho rằng, tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ngoài địa bàn ứng cử còn ít được triển khai trên thực tiễn. Do vậy, nên cân nhắc đẩy mạnh hơn hình thức tiếp xúc cử tri này, bởi hiện nay mối liên kết vùng rất chặt chẽ, việc mở rộng địa bàn tiếp xúc cử tri sẽ giúp các đại biểu có tầm nhìn bao quát hơn về những vấn đề liên vùng, liên địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp xúc và lắng nghe cử tri ở các địa bàn khác, chứ không chỉ nơi bầu ra mình. Các thành viên ban soạn thảo cũng nhất trí với hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến, đây là hình thức đã được triển khai trong thời điểm dịch bệnh COVID – 19.
Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội nhằm cụ thể hóa Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thể chế hóa các vấn đề thực tiễn nảy sinh trong quá trình tiếp xúc cử tri. Một số đại biểu đề nghị bổ sung nội dung tiếp xúc cử tri trước và sau các Kỳ họp bất thường của Quốc hội; cách thức tổ chức chương trình tiếp xúc cử tri của 63 Đoàn ĐBQH cần quy định thống nhất; bỏ quy định cứng thời gian tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, nhưng cần thống nhất quy định này với thời gian gửi báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp Quốc hội.
Một số đại biểu đề xuất, trong cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp cần quy định cụ thể theo hướng, bên cạnh thông tin về kết quả kỳ họp và lắng nghe ý kiến kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm truyên truyền, giải thích cụ thể một số chính sách mới có tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân, giúp hoạt động tiếp xúc cử tri hiệu quả và thực chất hơn.
Về thành phần tham dự, có ý kiến đề nghị quy định thành phần cụ thể: đại biểu Quốc hội, cử tri, cần có đại diện các cơ quan, ban ngành liên quan như Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các thành phần khác tùy theo nội dung tiếp xúc cử tri…
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, với tinh thần trách nhiệm cao, các ý kiến cơ bản thống nhất với nhiều nội dung dự thảo nghị quyết, các đại biểu cho ý kiến nhiều nội dung cụ thể, có căn cứ pháp lý và thực tiễn.
Về hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo chuẩn bị các báo cáo: tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 – ĐCTUBTWMTTQVN; tờ trình, tờ trình tóm tắt; báo cáo tập hợp ý kiến 283 cơ quan đơn vị và 300 cá nhân; báo cáo rà soát sự thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan; báo cáo đánh giá tác động các chính sách mới; bảng so sánh và tài liệu nghiên cứu và phụ lục. Sau khi lấy ý kiến trong Ban chỉ đạo, gửi xin ý kiến Chính phủ và chuẩn bị hồ sơ trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 9 tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội không chỉ quy định chi tiết Luật Mặt trận Tổ quốc, mà bao gồm cả hướng dẫn thực hiện các luật khác như Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức chính phủ… Vì vậy, phải tuân thủ nguyên tắc kế thừa Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 – ĐCTUBTWMTTQVN, bổ sung những nội dung mới phát sinh trong thực tiễn gặp vướng mắc và những nội dung đã triển khai đã chín, đã rõ trong quá trình thực hiện. Đây là văn bản dưới luật nên cần đảm bảo cả yếu tố chi tiết và yếu tố hướng dẫn, không nêu lại các nội dung đã được quy định trong các luật.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết liên quan đến tên gọi và phạm vi điều chỉnh; một số nguyên tắc tiếp xúc cử tri; về loại hình tiếp xúc cử tri; thành phần tham dự; về trách nhiệm trong tiếp xúc cử tri; trách nhiệm giải quyết kiến nghị cử tri…
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87985