Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát: Hành động quyết liệt, hiệu quả, vì cuộc sống an cư của Nhân dân
Sáng 11/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Phiên họp thứ tư
Cùng chủ trì có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đinh Văn Tuấn chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng
Tại điểm cầu Lâm Đồng, ông Đinh Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh đây là phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cần được triển khai bằng tâm huyết, trách nhiệm và sự vào cuộc thực chất của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần 6 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm và rõ thẩm quyền. Các địa phương cần tăng cường rà soát, giữ vững tiến độ, khí thế và quyết tâm, không làm theo phong trào hay vì thành tích mà phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người dân.
Từ sau phiên họp thứ ba (ngày 10/3/2025) đến nay, cả nước đã xóa được thêm gần 87.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, nâng tổng số nhà tạm, nhà dột nát đã được hỗ trợ xóa bỏ lên gần 209.000 căn. Trong đó, khoảng 111.000 căn đã hoàn thiện, còn lại đang trong quá trình xây dựng. Trung bình mỗi địa phương hoàn thành khoảng 26 căn mỗi ngày.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được chia thành ba nhóm đối tượng chính: Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; các hộ dân thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và hộ nghèo, cận nghèo ngoài hai nhóm trên. Tỷ lệ triển khai cao nhất thuộc về nhóm hộ nghèo, cận nghèo với hơn 124.000 căn đã được xây dựng, đạt khoảng 80% kế hoạch.
Cụ thể, nhóm người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ: 25.597 căn được hỗ trợ, trong đó 11.303 căn đã hoàn thành, 14.294 căn đang xây dựng, đạt khoảng 51%. Nhóm thuộc hai chương trình mục tiêu quốc gia: 59.293 căn, đạt 68,7%, với gần 40.000 căn đã hoàn thiện. Nhóm hộ nghèo và cận nghèo theo chương trình chung: 124.097 căn, đạt 80%, trong đó hơn 60.000 căn đã hoàn thành.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu trên toàn quốc
Năm 2025, Ban Chỉ đạo Trung ương đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc vào ngày 31/10. Sáu nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chương trình. Hiện, còn khoảng 61.800 căn cần được xử lý trong vòng chưa đầy 6 tháng - tương đương khoảng 364 căn mỗi ngày trên toàn quốc, bình quân mỗi tỉnh phải hoàn thành 8 căn/ngày.
Tháng 5/2025 sẽ có thêm 6 địa phương hoàn thành chương trình: Sơn La, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Long An và Hòa Bình. Dự kiến trong tháng 6 sẽ có thêm 16 tỉnh hoàn tất. Các tỉnh còn lại sẽ phấn đấu hoàn thành trong các tháng 7, 8, 9 và 10/2025.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Lâm Đồng
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết các khó khăn liên quan đến đất đai đã cơ bản được tháo gỡ. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí, đặc biệt là đối với nhóm người có công, vẫn còn là thách thức lớn. Một số địa phương cũng chưa quyết liệt trong triển khai.
Các ý kiến thảo luận tại phiên họp nêu rõ nhiều vướng mắc liên quan đến đất có sổ đỏ, đất quy hoạch bauxite, đề xuất sử dụng nhà tiền chế, cũng như kiến nghị hỗ trợ sau khi xóa nhà để phòng ngừa tái nghèo, qua đó đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân. Đặc biệt, kinh nghiệm từ các địa phương cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm và gần dân của cán bộ cơ sở là yếu tố then chốt giúp chương trình đạt kết quả cao.
Hiện, có 4 địa phương đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Vĩnh Long và Tây Ninh. Ngược lại, 4 tỉnh còn số lượng lớn nhà chưa khởi công gồm: Điện Biên (4.655 căn), Quảng Nam (1.995 căn), Lai Châu (1.630 căn), Gia Lai (1.581 căn). Một số tỉnh cam kết sẽ hoàn thành đúng hạn, như Lai Châu cam kết hoàn tất 977 căn còn lại trong tháng 6.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng
Tại Lâm Đồng, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các sở ngành, đoàn thể cùng các địa phương. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, giúp người dân hiểu, đồng thuận và tích cực tham gia.
Tính đến ngày 6/5/2025, toàn tỉnh đã hoàn thành 1.088 căn xây mới và 311 căn sửa chữa, với tổng kinh phí hơn 63 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngoài số lượng theo kế hoạch, một số huyện, thành phố đã huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ vượt chỉ tiêu.
Hiện, TP Bảo Lộc, huyện Lạc Dương và huyện Bảo Lâm đã hoàn tất chương trình; các huyện còn lại đang tăng tốc để kịp hoàn thành trước hạn 30/6/2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát
Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn bó chặt chẽ với mục tiêu phát triển bền vững và chăm lo đời sống nhân dân. Các địa phương cần huy động tối đa nguồn lực, linh hoạt trong cơ chế, chú trọng hiệu quả và chất lượng công trình, đảm bảo người dân được an cư bền vững.
Đồng thời, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn lực cho các tỉnh còn khó khăn như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu… Nhiệm vụ từ nay đến ngày 31/10/2025 vẫn còn rất nặng nề, số lượng nhà tạm, nhà dột nát phải xóa còn nhiều, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương, phạm vi triển khai rộng, trong khi thời gian còn lại không nhiều (khoảng 170 ngày), vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu của chương trình.
Thành công của chương trình không chỉ là những con số về căn nhà mới, mà còn là sự đổi thay trong cuộc sống của người dân, là niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Đó chính là mục tiêu cuối cùng mà chúng ta đang hướng tới.